Chuyên gia Lê trường giang giải thích cách đeo khẩu trang sao cho đúng - Ảnh: Tuổi trẻ.
Tại cuộc họp về giải pháp ứng phó với dịch bệnh phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM cho biết mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về cách đeo khẩu trang vì có một thực tế, hiện nay hầu như người dân đang đeo khẩu trang không đúng cách.
Theo TS Giang, nghiên cứu của thế giới đã chỉ rõ nếu đeo khẩu trang không đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn gấp nhiều lần so với người không đeo.
“Người không đeo khẩu trang thì mọi thứ trôi tuột hết, tỉ lệ dính vào người rất ít trong khi đeo khẩu trang thì mọi thứ bám vào khẩu trang, chỉ cần đụng vào là có nguy cơ lây nhiễm. Thế giới cũng đã khuyến cáo những người phải đeo khẩu trang thì khi đi ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang là những người có dấu hiệu bệnh, người tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh”, TS Giang phân tích trên báo Thanh Niên.
Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM cũng chỉ ra thực tế rằng nếu đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì không ai làm được bởi khẩu trang sau khi tháo ra chỉ được dùng một lần, phải vứt vào thùng rác
"Người dân hiện nay đa số đeo vào rồi tháo ra, chạm tay vào khẩu trang rồi lại đeo lại, cứ thế nhiều lần. Vì thế, cần thông tin rộng rãi để người dân hiểu và tự quyết định cách bảo vệ cho mình", ông Giang chỉ ra sai sót..
Vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề để đeo đúng cách như vậy thì một người sử dụng bao nhiêu khẩu trang trong một ngày và liệu rằng lượng khẩu trang cung ứng có đủ không. Do đó, bác sĩ Giang đề nghị TP.HCM cần có hướng dẫn người dân về việc đeo khẩu trang trong những trường hợp nào và nếu đã đeo thì phải đeo đúng cách, đồng thời bắt buộc những người cần đeo khẩu trang thì phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Theo các chuyên gia, đa số người dân hiện nay đeo khẩu trang chưa đúng cách. Ảnh: Công an TP.Hồ Chí Minh
Ông Đỗ Văn Dũng - trưởng Phòng nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP - cũng cho biết trung bình cứ 8 tiếng phải thay khẩu trang một lần, một người mỗi ngày xài khoảng 3 cái. Như vậy để cung cấp cho 11 triệu dân của TP thì số lượng rất cao. Vì thế có thể phải sử dụng thêm khẩu trang vải có giặt hấp cẩn thận để dùng thêm trong ngày.
Theo ông Dũng, hiện ngành bưu điện đã thông báo không nhận gửi khẩu trang và dung dịch rửa tay ra nước ngoài.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất sử dụng tinh dầu tràm để tăng cường tính năng. Mỗi khẩu trang giấy nếu nhỏ thêm một giọt tinh dầu tràm thì khả năng bảo vệ tăng cao hơn. Ngành Y tế TP sẽ làm việc thêm với các nhà khoa học, chuyên gia về việc này.
Từ lúc biết dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus (nCoV) có thể lây từ người sang người, người dân Trung Quốc Việt Nam và nhiều nước khác đổ xô đi mua khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm.
Giáo sư Jonathan Ball ở Đại học Nottingham (Anh) ghi nhận muốn bảo vệ tối ưu phải mang khẩu trang trong thời gian dài nhưng không ai có thể làm theo lời khuyên này.
Trao đổi với báo Huffington Post, nhà nghiên cứu Sandrine Belouzard làm việc tại Trung tâm Nhiễm trùng và miễn dịch Lille (Pháp) cho rằng khẩu trang bảo vệ lây nhiễm không nhiều và không đạt hiệu quả 100%. Dù vậy, khẩu trang là lá chắn cần thiết.
Trong quy định y tế quốc tế năm 2009 được bổ sung sau đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: "Trên thực tế sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm thay vì giảm bớt nguy cơ. Nếu phải sử dụng khẩu trang, cần phải được tập huấn cách sử dụng đúng thiết bị này".