Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VNE
Chiều ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả dịch Covid – 19.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Chính phủ nghe Ban chỉ đạo Phòng chống dịch báo cáo tình hình để bảo vệ tính mạng cho người dân. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần dựa trên một số yếu tố.
Việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm ảnh hưởng đến các gia đình, bố mẹ phải trông con, trường tư và trường quốc tế vẫn phải chi trả lương cho giáo viên. Ngoài ra, học sinh từ THCS trở lên có thể không được kiểm soát và ra ngoài tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.
Chẳng hạn nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã lên kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vào tháng 3. Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguy cơ lây nhiễm trong học sinh, sinh viên không cao, nếu kéo dài việc nghỉ học sẽ gây tâm lý bất an và những hệ quả khác.
Các trường học đã được tiêu trùng, khử độc, tập huấn cho giáo viên xử lý nếu phát hiện học sinh nghi vấn nhiễm bệnh. Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chăm sóc học sinh ở nhà và khi đến trường để đảm bảo phòng bệnh.
Hiện các trường đã khử trùng 5 lần. Thành phố cũng đã hướng dẫn các trường không chào cờ, bố trí giải lao chênh giờ để tránh tập trung đông học sinh. Đồng thời, vệ sinh bếp ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm ở các trường bán trú. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho các thầy cô giáo ở các trường phòng chống dịch. Hà Nội cũng khuyến cáo các trường hợp cần thiết mới phải đeo khẩu trang.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản Malaysia, Singapore. Đài Loan cho học sinh đi học từ 25/2, Hong Kong, Mông Cổ dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3. "Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyến bố Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.
Theo đó, học sinh THPT trở lên có thể đi học từ đầu tháng 3 vì sức đề kháng tốt và bảo vệ bản thân tốt hơn, đảm bảo thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh vào đại học và du học nước ngoài. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS do chưa có ý thức bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay, đề xuất nghỉ thêm hai tuần tùy diễn biến tình hình, sau đó sẽ quyết định.
Cũng theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, qua đánh giá tình hình của Ban chỉ đạo, việc kiểm soát dịch bệnh đang được thực hiện tốt. Bộ đã ban hành khung chương trình năm học 2019-2020 để làm căn cứ cho các địa phương quyết định thời gian học sinh đi học trở lại. Nếu không có diễn biến xấu của dịch thì học sinh toàn quốc đi học lại từ 2/3.
Ba địa phương có bệnh nhân nhiễm nCoV là Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc có thể cho học sinh đi học muộn hơn 1-2 tuần và sẽ học bù vào thời điểm thích hợp. "Dịch diễn biến rất phức tạp, nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại", ông Nhạ nói.
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không phản đối khung năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng hôm nay Chính phủ chưa chốt thời điểm cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 mà sẽ xem xét diễn biến dịch bệnh trên thế giới đến cuối tuần này để cân nhắc, đảm bảo an toàn cho học sinh.