Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:16
RSS

Đề thi môn Văn lớp 7 gây choáng, giáo viên phải thốt lên 'quá khó': Trưởng phòng GDĐT nói gì?

Thứ bảy, 06/05/2023, 08:13 (GMT+7)

Phòng GDĐT huyện Cẩm Khê, Phú Thọ mới đây đã tổ chức kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện, năm học 2022-2023. Tuy nhiên, dư luận bất ngờ với độ khó của đề thi.

Đề thi môn Ngữ văn lớp 7 trong kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện của Phòng GDĐT huyện Cẩm Khê, Phú Thọ được tổ chức với thời lượng làm bài 120 phút. Đề thi ngắn gọn, đơn giản nhưng đang trở thành tâm điểm chú ý vì quá khó.

Cụ thể đề thi với 2 câu hỏi như sau:

Câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: "Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có". Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.

Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: "Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim". Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên".

Đề thi môn Văn lớp 7 gây choáng, giáo viên phải thốt lên 'quá khó': Trưởng phòng GDĐT nói gì?

Đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi. Ảnh: CMH

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Ths Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn tại TP.HCM nhận xét: "Câu nghị luận văn học trong đề thi này ra không phù hợp với chương trình Ngữ văn 7 hiện hành. Học sinh lớp 7 nói riêng và bậc THCS nói chung chưa học lý luận văn học nên không thể hiểu câu nói của Đuy-blây: "Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim". Thậm chí, học sinh THPT, nếu không học khá, giỏi văn thì cũng không hiểu đến nơi đến chốn.

Nếu học sinh nào được luyện, theo kiểu thuộc lòng máy móc thì vẫn viết được đề thi này nhưng không hiểu gì, gây bất công cho các em không được luyện. Và sẽ có nhiều học sinh giỏi văn sợ học văn vì đề thi (nghị luận văn học), hàn lâm, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Nói chung, giáo viên ra đề, phản biện đề và chọn đề chưa hiểu nội dung chương trình, gây khổ sở cho học sinh và cả giáo viên".

Nhận xét chung về các đề thi môn Ngữ văn hiện nay, thầy Hoài cho rằng: "Mỗi trường ra một kiểu. Ở bậc THPT thường ra sát chương trình, dù nhiều đề chưa hay, cũ. Còn ở cấp THCS thường ra hàn lâm, không sát với Chương trình GDPT 2018".

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Bích Ngọc, giáo viên Ngữ văn một trường THCS ở Hà Nội cũng cho rằng: "Đề quá khó so với học sinh lớp 7. Người ra đề có kiến thức quá uyên thâm nhưng lại thiếu phương pháp, kỹ năng chuyên môn nên yêu cầu học sinh quá cao. Một đề thi hay phải đạt được 4 mức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng thấp, Vận dụng cao. Còn đề này thì toàn yêu cầu… trên mây".

Chiều 4/5, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Bùi Ngọc Luận, Trưởng phòng GDĐT huyện Cẩm Khê, Phú Thọ xác nhận đây là đề thi trong kỳ thi học sinh năng khiếu ở địa phương tổ chức.

Trước tranh cãi về đề thi này, ông Luận cho hay: "Phòng GDĐT huyện Cẩm Khê luôn lắng nghe ý kiến phản biện của dư luận xã hội để thực hiện tốt hơn đổi mới về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá".

Ông Luận khẳng định, nhiều giáo viên cốt cán của huyện đều cho biết đề không sai và phù hợp với kỳ thi. Lấy dẫn chứng về kết quả thi, ông Luận cho biết, kỳ thi có 98 học sinh tham dự và có 7 em đạt được kết quả 14/20 điểm trở lên, có 51 em được 10/20 điểm trở lên. Học sinh có điểm cao nhất là 14,5 điểm, thấp nhất là 6,5 điểm. 

Tào Nga
Theo Báo Dân Việt