Giáo viên hướng dẫn học sinh tập viết.
Dựa vào điều kiện thực tế, khả năng tiếp thu của các em, mỗi thầy cô có sáng tạo riêng để cùng trò vượt khó, tạo ra giờ học hấp dẫn.
Giãn tiết
Sau hai tiết dạy của Chương trình môn Toán lớp 6, cô Nguyễn Thị Như Ý – giáo viên Toán, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) buộc phải điều chỉnh kế hoạch dạy học.
“So với vùng đồng bằng, học trò của chúng tôi tính toán chậm, một số kiến thức cơ bản của bậc tiểu học, các em cũng quên nhiều sau kỳ nghỉ hè dài, lại do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động phụ đạo không được tổ chức sớm như những năm trước. Các em cũng rụt rè, không mạnh dạn, tự tin trong hoạt động làm việc nhóm”, cô Ý nhận xét.
Vì vậy, ngoài việc buộc phải giãn tiết, giảng chậm lại, thậm chí ôn lại một số kiến thức ở bậc học dưới, cô Ý cũng thay đổi hình thức giao việc cho học sinh. Với hoạt động nhóm, thay vì tổ chức nhóm lớn với khoảng 5 - 6 em, cô tổ chức nhóm đôi, nhiều nhất là nhóm 3 để “học sinh khá có thể hướng dẫn bạn cùng học và em nào cũng phải có đóng góp cho nhóm chứ không thể lơ đãng ngồi chơi” - cô Ý chia sẻ. Phiếu học tập cá nhân cũng được giáo viên sử dụng nhiều để nắm bắt mức độ tiếp thu kiến thức của từng em.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam - cho biết: “Học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số, vì vậy, trong hướng dẫn tổ chức dạy học, chúng tôi nhấn mạnh với các tổ chuyên môn và giáo viên đứng lớp phải bám sát mức độ tiếp nhận của các em để có điều chỉnh phù hợp trong phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Mục tiêu để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh”.
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam năm học này chỉ có một lớp Sáu. Với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường phân công 2 giáo viên giảng dạy, gồm một dạy môn Vật lý và một đảm nhận dạy môn Hóa – Sinh. Thầy Võ Đăng Chín chia sẻ: “Do mỗi khối chỉ có một lớp nên nếu tuyển đủ giáo viên cho các bộ môn sẽ không thể bố trí đủ tiết theo yêu cầu. Chính vì vậy, lâu nay nhà trường vẫn dùng phương án bố trí người dạy trái môn”.
Như giáo viên dạy Lịch sử sẽ đảm nhiệm dạy thêm môn Địa lý, người dạy Vật lý kiêm nhiệm thêm môn công nghệ và giáo viên Hóa dạy trái môn Sinh học. Trường và phòng GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn để những giáo viên này đảm bảo chất lượng môn học. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên THCS của nhà trường không gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dạy học tích hợp.
Một tiết học trực tuyến của học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Vui học online
Đầu giờ học trực tuyến môn Vật lý, thầy Võ Ngọc Hùng – giáo viên Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức cho học sinh chơi trò khởi động được thiết kế từ những công cụ tương tác như Kahoot,
Wordwall... Thầy Hùng cho biết: Những trò chơi này vừa lồng ghép để kiểm tra bài cũ đồng thời dẫn dắt nội dung của bài mới. Điểm thưởng và điểm cộng từ các trò chơi trong tiết học trực tuyến cũng tạo được không khí sôi động cho tiết học, học sinh vừa có hứng thú, động cơ học tập. Trong điều kiện dạy học trực tuyến, không thể tiến hành những thí nghiệm minh chứng trực tiếp, các thầy cô dạy môn Khoa học tự nhiên của Trường THCS Tây Sơn đã sử dụng thí nghiệm ảo để các em có thể quan sát, ghi nhớ bài học.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sử, Địa, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), chia sẻ: Cái khó nhất khi triển khai Chương trình, SGK mới trong điều kiện dạy học trực tuyến là xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với không gian mới. Để đáp ứng được mục tiêu hình thành năng lực, phẩm chất trong Chương trình GDPT mới chỉ với thời lượng rút gọn còn 35 phút/tiết học, thầy Tuấn ứng dụng nhiều phần mềm dạy học để tăng tính tương tác của học sinh với giáo viên.
“Có thể đầu tiết dạy, giáo viên cho các em xem những video ngắn có liên quan đến bài học, yêu cầu nhận xét ngắn bằng một cụm từ. Đây cũng là cách nắm bắt được tâm trạng, sự tập trung của các em khi bắt đầu buổi học. Từ đây, thầy cô có hình thức hỗ trợ các em trong và sau giờ học” – thầy Tuấn cho biết.
Em Nguyễn Lê Phước Quỳnh, lớp 6, Trường THCS Tây Sơn, chia sẻ: “Lên lớp 6, có nhiều môn học mới, em cũng có chút bỡ ngỡ vì cách học khác so với ở lớp 5, lại phải học trực tuyến. Tuy nhiên, giờ học nào thầy cô giáo cũng tổ chức trò chơi với nhiều cách chơi mới, không lặp lại nên rất vui. Em học cũng tập trung hơn do có sự thi đua để giành điểm số. Có cảm giác như vừa học vừa chơi nên tiết học không áp lực mà thầy cô giáo và các bạn cũng gần gũi nhau”.
Buổi học chính thức bắt đầu bằng việc khởi động với trò chơi trên Quizizz, Nearpod. Các trò chơi được lồng ghép để kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh, có thể là bài tập được giao từ hôm trước, có thể là những bài phục vụ cho tiết học mới. Đan xen trong tiết học, thầy cô tổ chức cho các em tương tác thông qua trò chơi được xây dựng từ những ứng dụng như Kahoot, Wordwall. Thực hiện chủ trương tinh giản chương trình, một số nội dung, giáo viên có thể giao việc cho học sinh thực hiện như bài tập về nhà, tự học có kiểm tra, hướng dẫn. Vì vậy, cả thầy Hùng và thầy Tuấn đều giao bài tập bằng cách sử dụng các phần mềm như MS Forms, Ms Team… hoặc gửi qua Zalo sau khi kết thúc tiết học.