Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:38
RSS

TPHCM: Nhiều băn khoăn với tiêu chí để mở cửa trường học

Thứ sáu, 08/10/2021, 16:45 (GMT+7)

Sở GD&ĐT TPHCM vừa trình UBND TP dự thảo lần 3 bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại các trường mầm non, phổ thông.

Sự kiện:
TP.HCM

TPHCM nhiều băn khoăn với tiêu chí để mở cửa trường học

Học sinh tại Quận 5, TPHCM trở lại trường phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt để phòng chống dịch covid-19 trong năm học 2020 – 2021. Ảnh: TG

Đặc biệt, dự thảo lần này có đưa ra tiêu chí an toàn tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống.

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại cơ sở giáo dục phổ thông gồm 10 thành phần. Ở mỗi tiêu chí, các trường được chấm điểm đạt hoặc không đạt thay vì chấm theo thang điểm 10 như dự thảo trước đây. Chẳng hạn 100% giáo viên, nhân viên làm việc trực tiếp tại trường đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ được chấm đạt. Dưới tỉ lệ này sẽ không đạt.

Về số lượng học sinh, giáo viên tập trung tối đa tại trường học, bộ tiêu chí chỉ cho phép số lớp và số học sinh không quá 50% theo tiêu chuẩn hiện hành (lớp tiểu học 35 em, lớp THCS, THPT 45 em). Như vậy, để đáp ứng điều này, các trường phải tách lớp, chia lớp học theo ca, buổi để tránh tập trung đông người cùng một lúc. Ngoài ra, khoảng cách giữa mỗi người trong phòng học, phòng làm việc từ 1 mét trở lên. Ở bên ngoài, khoảng cách này là 2 mét. Thực hiện đúng được chấm đạt, có thời điểm không thực hiện đúng sẽ không đạt.

Tùy theo mức độ an toàn mà trường học được hoạt động hay không, hoặc phải có biện pháp khắc phục theo cách đánh giá sau: Đạt 8 - 10 tiêu chí thành phần: Mức độ an toàn cao (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học). Đạt 6 - 7 tiêu chí thành phần: Mức độ an toàn (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học; trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 8 tiêu chí thành phần). Đạt dưới 6 tiêu chí thành phần: Chưa bảo đảm an toàn (cơ sở giáo dục không được tổ chức hoạt động dạy học; phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 6 tiêu chí thành phần mới được tổ chức hoạt động dạy học).

Cũng theo đề xuất của sở, bộ tiêu chí tại cơ sở giáo dục mầm non  gồm 10 thành phần và cách đánh giá tương tự. Lớp học ở trường mầm non không được quá 50% (với trường mầm non là 25 - 35 em mỗi lớp, tùy độ tuổi), lớp mẫu giáo tư thục không quá 15 em. Hoạt động nội trú ở trường phổ thông được thay bằng tiêu chí “hoạt động sau 16 giờ 30 phút”.

Nếu trường mầm non, lớp mẫu giáo không hoạt động sau giờ này, hoặc có hoạt động nhưng đảm bảo phòng chống dịch được chấm đạt. Riêng bộ tiêu chí tại trung tâm ngoại ngữ - tin học, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa có 9 thành phần, bao gồm giáo viên, người học được tiêm đủ vắc-xin, bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang...

Nói về dự thảo trên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM Huỳnh Thanh Phú cho rằng, đây là chuẩn để từng cơ sở giáo dục xây dựng cho thật tốt, bảo đảm an toàn mới cho học sinh trở lại. Tuy nhiên, thầy Phú cũng chỉ ra khó khăn nhất định đối với tiêu chí 2. “Khi tách lớp để bảo đảm khoảng cách, nghĩa là số lớp tăng gấp đôi nhưng cơ số giáo viên không đổi. Như vậy, số tiết dạy của giáo viên tăng gấp đôi, lấy ngân sách ở đâu để trả tiền tiết phụ trội. Giải pháp tốt nhất là tách mỗi lớp thành 2 nhóm, luân phiên học trực tiếp kết hợp trực tuyến”, thầy Phú góp ý.

Với tiêu chí 1 yêu cầu 100% giáo viên, nhân viên phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là đúng đắn nhưng hiệu trưởng các trường cho rằng chưa đề cập đến học sinh thì không thể nói là an toàn, thậm chí là nguy cơ cao. “Tâm lý của phụ huynh không thể nào an tâm, khi thầy cô đứng lớp dạy con mình mà chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid và con họ cũng thế”, lãnh đạo một trường THCS tại Quận 8 chia sẻ.

Tuấn Thụy
Theo Giáo dục & Thời đại