Trong dịp đầu xuân Đinh Dậu, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP.Hà Nội) về những nguyên nhân và giải pháp để hạn chế tình trạng tắc đường của Hà Nội
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn ứ giao thông hiện nay là do phá vỡ quy hoạch cũng như gia tăng quá nhanh phương tiện cá nhân. Chính điều này đã tạo áp lực cực kỳ lớn lên nền tảng hạ tầng giao thông Hà Nội.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh Nguyễn Khánh
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 về quy hoạch xây dựng chung tầm nhìn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phải giãn dân trong khu vực nội đô, các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu vực ngoại thành hoặc xây dựng cơ sở sản xuất ở các địa phương khác.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lượng phương tiện cá nhân đang tăng nhanh. Trung bình mỗi năm trung bình 6,1% nhưng hạ tầng đô thị mới chỉ đạt 8,6% quỹ đất giành cho giao thông nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, các bãi đỗ xe dành cho phương tiện dừng đỗ để giải phóng các phần đường cho các phương tiện đi lại cũng còn rất hạn chế.
Trong khi đó, Sở GTVT lại trưng dụng một số lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện. Đây cũng là mặt hạn chế khiến hạn chế phần đường cho các phương tiện di chuyển. Do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nên hệ thống cấp thoát nước cũng chưa đảm bảo.
Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân dịp đầu xuân. Ảnh minh họa
Mỗi khi mưa lớn gây ngập úng, cây đổ… khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, dồn nhau tại 1 điểm gây ách tắc giao thông. Hệ thống giao thông Hà Nội đa phần là các điểm giao cắt đồng mức nên chỉ cần một vi phạm giao thông cá nhân nhỏ cũng sẽ dẫn tới xung đột.
Vậy nên, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để đánh giá lại một số nút giao thông trên địa bàn Thủ đô chưa thực sự khoa học và hợp lý. Cũng cần phải nói thêm rằng, ý thức người dân tham gia giao thông chưa cao, luôn cho mình cái quyền đi trước, hối thúc các phương tiện khác, bấm còi inh ỏi.
Người tham gia giao thông khi không thấy lực lượng chức năng còn xảy ra tình trạng đi lấn làn, không chấp hành đèn tín hiệu, dừng đỗ sai quy định , dẫn đến nguyên nhân giao thông hỗn độn như hiện nay. Trước mắt, người dân cần cùng nhau nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Văn hóa nhường nhịn, xếp hàng, tự giác chấp hành cần được đề cao ở mỗi cá nhân khi lưu thông trên đường.
Một điểm cần chú ý nữa là trong công tác quy hoạch quỹ đất về giao thông phải được ưu tiên đi trước một bước, tính toán cân đối lượng dân cư sinh sống, làm việc trong mỗi tòa nhà cao tầng, khu chung cư xây mới nhằm có sự sắp xếp bố trí khoa học các nút giao thông, tuyến đường.
Tiếp đến là cần có biện pháp tuyên truyền để hình thành ý thức tham gia giao thông ở mỗi người dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để việc cấm một loại phương tiện nào đó tham gia thì phải bố trí được các phương tiện khác thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thấy được lợi ích trong việc sử dụng phương tiện công cộng thì đương nhiên các phương tiện cá nhân sẽ giảm.
Cũng theo thiếu tá Hùng, thực trạng giao thông ở Thủ đô sẽ ngày càng quá tải nên trước mắt sẽ tăng cường lực lượng để phân luồng tại các nút giao thông trọng điểm. Bởi lẽ, hiện nay vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông khi thấy lực lượng chức năng mới tuân thủ tín hiệu giao thông.
Đồng thời, phối hợp với các sở GTVT rà soát lại những bất cập trong công tác tổ chức giao thông tại các tuyến đường. Tại các nút giao được cho là điểm đen tắc nghẽn lực lượng CSGT sẽ có kiến nghị xây cầu, đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thuận tiện hơn, một mặt giảm tải gánh nặng cho trục giao thông chính.
Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm giao thông, gây ách tắc như lấn chiếm vỉa hè lòng đường, đỗ xe sai quy định, chở hàng quá khổ quá tải, đi vào đường cấm, đi ngược chiều…
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tích cực tham mưu cho Ban giám đốc xây dựng kế hoạch huy động tổng thể các lực lượng. Trong đó có lực lượng CSGT làm nòng cốt, thanh tra giao thông, công an quận huyện, phòng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động cùng tham gia điều hướng giao thông, phân luồng tại các điểm đen vào giờ cao điểm.
Về lâu dài, cơ quan chức năng cần có những kiến nghị về phân bổ mật độ dân cư cũng như đầu tư cho giao thông đô thị, nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao, kiến nghị di dời trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm nội đô để giảm tải lượng người giao thông.