Thứ năm, 02/05/2024 | 13:37
RSS

Dấu hiệu nội tiết kém khi mang thai - Mẹ bầu cần lưu ý gì?

Thứ tư, 27/12/2023, 11:44 (GMT+7)

Quá trình mang thai khiến cơ thể người mẹ trải qua nhiều thay đổi trong đó bao gồm cả hệ thống nội tiết. Thiếu hụt nội tiết tố nếu xảy ra sẽ tác động trực tiếp đến phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.

I. Nội tiết kém khi mang thai có nguy hiểm không?

Khi bước vào thai kỳ, nồng độ các hormone nội tiết tố sẽ có nhiều thay đổi, tác động trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi. Lúc này, nếu cơ thể thiếu hụt các hormone HCG, estrogen và progesterone sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho cả mẹ và bé, cụ thể:

  • Thiếu hụt hormone HCG: Thiếu hụt của hormone HCG trong quá trình mang bầu có thể làm suy hoàng thể, thậm chí là sảy thai. Hormone này là do nhau thai sản sinh ra và được sản xuất ngay khi hình thành bào thai. HCG mang nhiệm vụ tổng hợp progesterone, estrogen. Ngoài ra, nó còn mang vai trò duy trì hoàng thể, tăng cường hoạt động nội mạc tử cung cho thai nhi có điều kiện phát triển ổn định. 
  • Thiếu hụt hormone estrogen: Đối với mẹ bầu, sự thiếu hụt hormone estrogen sẽ khiến dễ xảy ra tình trạng bị khó sinh, sau sinh bị ít sữa. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt loại hormone này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường và hấp thu dưỡng chất của thai nhi từ cơ thể mẹ khi đang trong giai đoạn thai kỳ.
  • Thiếu hụt hormone progesterone: Hormone này không chỉ có vai trò chuẩn bị phần lớp lót tại niêm mạc cho thai nhi làm tổ, điều hòa ổn định ngăn cơn co bóp tử cung mà còn kích thích những mô vú tiết sữa, tăng sự co bóp vùng chậu giúp mẹ bầu chuyển dạ dễ dàng hơn. Vì vậy, thiếu hormone progesterone có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và tiềm ẩn nguy cơ gây sinh non, sảy thai, chết lưu thai hoặc mang thai ngoài tử cung cho mẹ bầu.

Dấu hiệu nội tiết kém khi mang thai

Mẹ bầu nếu thiếu hụt các hormone HCG, estrogen và progesterone sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả mẹ và bé

II. Nhận biết dấu hiệu nội tiết kém khi mang thai

Khi đã nắm được những ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cơ thể mẹ bầu bị thiếu hụt hormone nội tiết tố, thì những dấu hiệu nhận biết là điều khiến thai phụ quan tâm hơn cả. Dưới đây là các dấu hiệu nội tiết tố kém khi mang thai bạn cần quan tâm:

1. Dấu hiệu thiếu hormone nội tiết tố progesterone khi mang thai

Progesterone là hormone được sản sinh ra chủ yếu ở giai đoạn hoàng thể và mang vai trò chủ đạo trong việc duy trì sức khỏe thai nhi. Nếu như lượng hormone này không được sản sinh đủ trong thai kỳ thì mẹ bầu thường sẽ gặp phải các tình trạng như:

  • Hay mất ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc dễ bị thức giấc giữa đêm.
  • Cơ thể phù nề, có biểu hiện bị tích nước. Nguyên nhân là bởi progesterone có tác động lợi tiểu, chính vì thế mà khi bị thiếu hụt progesterone quá trình đào thải nước ra ngoài cơ thể bị hạn chế với tần suất ít hơn dẫn đến ứ tích nước.
  • Mẹ bầu hay bị mệt, đau đầu, căng thẳng...
  • Tăng cân khó kiểm soát do sự sụt giảm progesterone sẽ làm gián đoạn quá trình tiêu hao chất béo.
  • Tăng cảm giác thèm ăn.

2. Dấu hiệu thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở mẹ bầu

Estrogen có vai trò tối quan trọng trong giai đoạn thai kỳ như tăng cường phát triển tử cung, làm mềm tử cung để thai nhi dễ dàng cử động và phát triển, tạo ra dịch nhờn âm đạo duy trì ẩm ướt và giảm nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, tham gia cào quá trình phát triển tuyến vú... Dấu hiệu cơ thể thiếu hụt nội tiết tố estrogen bộc lộ qua những biểu hiện dưới đây:

  • Da của mẹ bầu ngày càng khô, đàn hồi kém, mụn, thâm da và nhiều nếp nhăn xuất hiện.
  • Tóc khô, dễ bị gãy rụng…
  • Thay đổi tâm lý, tâm trạng thất thường: Nội tiết tố suy giảm là căn nguyên khiến tâm tình mẹ bầu có suy nghĩ và cảm xúc thất thường, dễ cáu gắt hoặc thậm chí là dễ bị trầm cảm hơn…
  • Ngoài ra, mẹ bầu cũng dễ bị khô hạn âm dạo khi thiếu hụt estrogen.

3. Dấu hiệu mẹ bầu thiếu hụt hormone nội tiết tố HCG

HCG là từ viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin (Kích tố sinh dục màng đệm ở người). Nồng độ hormone này sẽ tăng lên sau 10-12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Chính điều đó khiến chị em thường bị nghén nặng hơn ở thời điểm đầu mang thai.

Như đã chia sẻ ở trên, HCG mang nhiệm vụ tổng hợp 2 hormone quan trọng khác là estrogen và progesterone. Nồng độ hormone HCG trong máu sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe của thai nhi một cách chính xác. Vậy nên thiếu hụt nội tiết tố này trong quá trình mang thai sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Biểu hiện nguy hiểm do suy giảm HCG gồm có: Rong kinh, phát triển thai nhi không ổn định, khó đậu...

III. Sử dụng thuốc nội tiết khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mang thai chính là thời điểm cơ thể mẹ bầu khá nhạy cảm. Lúc này, việc bạn dùng loại thuốc nào cũng cần phải có sự đồng ý và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Với các trường hợp thai phụ được bác sĩ kê thuốc nội tiết thì không cần lo lắng, bạn chỉ cần tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ, bởi các sản phẩm thuốc nội tiết sẽ mang tới tác động tích cực cho cả mẹ và bé như:

  • Đối với mẹ bầu: Thuốc nội tiết giúp điều hòa lại hormone nội tiết tố nữ trong cơ thể, từ đó phòng ngừa co thắt tử cung, xuất huyết âm đạo, viêm nhiễm phần nút nhầy tại khu vực tử cung. Đồng thời bổ sung đầy đủ nội tiết tố cũng giúp kích thích cho tuyến sữa phát triển, giảm tình trạng khô hạn âm đạo, điều chỉnh cân bằng lại tâm lý, giảm hiện tượng căng cơ ở mẹ bầu…
  • Đối với thai nhi: Nội tiết tố giữ vai trò cốt yếu cho sự phát triển và hình thành của thai nhi trong quý đầu của thai kỳ. Chính vì thế mà khi mẹ bổ sung đủ nội tiết tố cân bằng cơ thể sẽ giúp thai nhi được phát triển ổn định và khỏe hơn, phòng ngừa được rủi ro bị sinh non, sảy thai…

Thuốc nội tiết cân bằng lại nội tiết tố nữ giúp thai nhi được phát triển ổn định hơn, phòng ngừa được nguy cơ bị sảy thai, sinh non

Cân bằng nội tiết tố nữ giúp thai nhi phát triển ổn định hơn, phòng ngừa được nguy cơ bị sảy thai, sinh non

IV. Bổ sung nội tiết tố trong giai đoạn mang thai

Khi nhận thấy những dấu hiệu nội tiết tố nữ bị suy giảm trong quá trình mang thai thì điều mẹ bầu cần làm chính là bình tĩnh, thăm khám và nhận ý kiến tư vấn từ bác sĩ. Có thể can thiệp bổ sung nội tiết tố nữ bằng những phương pháp cụ thể như sau:

1. Tăng cường nội tiết tố nữ qua chế độ dinh dưỡng

Khi bước vào thai kỳ, chế độ ăn uống của mẹ bầu là yếu tố cần đặc biệt chú ý vì sức khỏe của mẹ và bé. Lúc này, nếu xác định bạn đang bị tình trạng nội tiết tố kém khi mang thai, hãy chú ý bổ sung thêm vào bữa ăn các loại thực phầm sau đây:

  • Đậu nành: Giàu phytoestrogen giúp tăng cường estrogen trong cơ thể rất tốt.
  • Bơ: Loại trái cây này chứa lượng chất béo tự nhiên cao, cùng các dưỡng chất quan trọng như axit folic, vitamin E, B… giúp tăng cường sản sinh hormone nội tiết và làn da của chị em trở nên khỏe mạnh hơn.
  • Cá hồi: Lượng omega 3, acid béo phong phú có trong thực phẩm này rất tốt cho sự phát triển não bộ và hệ tim mạch của thai nhi. Đồng thời chúng cũng giúp cân bằng nội tiết tố mẹ bầu rất tốt.
  • Những loại rau giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất như rau xanh, rau họ cải...: Tác dụng cải thiện chứng khó tiêu và tăng cường sản sinh hormone nội tiết tố nữ.
  • Các loại hạt: Mẹ bầu cũng đừng nên bỏ qua những loại hạt như hạnh nhân, óc chó… vì chúng đem tới nhiều lợi ích về dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.
  • Hạn chế sử dụng các loại đồ ăn cay nóng, thức ăn nhanh, cafe, đồ đóng hộp...: Đây là những loại thực phẩm không tốt và có ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu.

Cân bằng nội tiết tố nữ qua chế độ dinh dưỡng và thực phẩm

Cân bằng nội tiết tố nữ qua chế độ dinh dưỡng và thực phẩm

2. Duy trì lối sống lành mạnh để cân bằng nội tiết tố

Nếu cơ thể bạn đang biểu hiện những dấu hiệu tiêu cực do thiếu hụt nội tiết tố, gợi ý bạn thực hiện thói quen, lối sống tốt dưới đây giúp cải thiện tình trạng nội tiết tố kém khi mang thai:

  • Ngủ đủ giấc: Điều này sẽ giúp mẹ bầu giảm tải được tâm lý căng thẳng, tinh thần phấn chấn hơn, đồng thời góp phần cân bằng lại lượng hormone trong cơ thể.
  • Tập thể dục điều độ, với nhịp điệu nhẹ nhàng: Những bài tập như đi bộ, thiền là cách tuyệt vời để mẹ bầu duy trì sức khỏe ổn định, cũng như cải thiện nồng độ nội tiết tố trong cơ thể.
  • Tránh xa căng thẳng: Quản lý tốt stress giữ vai trò quan trọng cho sự phát triển ổn định sức khỏe của cả mẹ và bé.
  • Không dùng rượu bia, thuốc lá…: Thuốc lá, rượu bia gây hại cho sức khỏe thai nhi. Chính vì thế mà cần tránh hoàn toàn chúng trong giai đoạn thai kỳ, đảm bảo an toàn cho sự phát triển của bé và sức khỏe của chính mẹ bầu.
  • Quản lý cân nặng: Khi mang thai, mẹ bầu đừng quên theo dõi cân nặng của mình thường xuyên, tránh để cơ thể bị thừa cân, thiếu cân, vượt quá mức tiêu chuẩn, ảnh hưởng tới thai nhi, làm rối loạn nội tiết tố.

3. Sử dụng thuốc nội tiết

Tùy theo thể trạng của từng mẹ bầu mà bác sĩ sẽ kê những loại thuốc nội tiết phù hợp, đảm bảo cho thai nhi phát triển ổn định hơn. Thông thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu làm xét nghiệm để xác định cơ thể đang thiếu hụt loại hormone nội tiết tố nào, từ đó mẹ bầu có thể được chỉ định dùng:

  • Thuốc estrogen: Loại thuốc này thường được bào chế dưới nhiều dạng như thuốc viên, miếng dán hoặc là thuốc tiêm. Thuốc mang thành phần chính là estrogen, được bổ sung vào cơ thể để tăng cường sự phát triển của thai nhi, hỗ trợ thúc đẩy tuyến vú và các khối cơ hoạt động ổn định hơn…
  • Thuốc progesterone: Loại thuốc này thường được bổ sung bằng đường uống hoặc được dùng dưới dạng đặt tại âm đạo, thuốc tiêm. Thuốc chủ yếu được dùng cho các trường hợp dọa sảy thai, hoặc những tình huống mẹ bầu được chẩn đoán có nguy cơ sinh non…

V. Những lưu ý khi bổ sung nội tiết tố trong giai đoạn thai kỳ

Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng nội tiết tố kém khi mang thai và cần áp dụng những giải pháp bổ sung nội tiết tố nữ, nên lưu ý những điều sau đây:

  • Việc dùng thuốc nội tiết bắt buộc phải có sự chẩn đoán và theo dõi của đội ngũ bác sĩ đúng chuyên khoa. Chị em mang thai tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa được kiểm định hoặc chưa có hướng dẫn, chỉ định từ người có chuyên môn.
  • Thường xuyên đi thăm khám định kỳ để theo dõi và phát hiện kịp thời những thay đổi về nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể cũng như các vấn đề sức khỏe bất thường khác.

Việc thiếu hụt nội tiết tố khi đang trong giai đoạn mang bầu sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé. Mặc dù việc sử dụng thuốc nội tiết tố là một trong những giải pháp tốt khi nhận thấy những dấu hiệu nội tiết tố kém khi mang thai, việc sử dụng thuốc vẫn cần vô cùng thận trọng, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để có được kết quả tốt và hạn chế những rủi ro không đáng có xảy ra.

DS. Lương Hưng
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại