Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:18
RSS

Dấu hiệu nhận biết và các giai đoạn của ung thư thanh quản

Thứ bảy, 16/01/2021, 07:02 (GMT+7)

Hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư thanh quản. Dưới đây là một số dấu hiệu dễ nhận biết ung thư thanh quản và các giai đoạn phát triển căn bệnh này cần nắm rõ.

Theo thống kê, ung thư thanh quản chiếm khoảng 2% các bệnh ung thư. Ở Việt Nam nếu xét trong phạm vi các bệnh về Tai – Mũi – Họng thì ung thư thanh quản đứng thứ 4 sau bệnh vòm họng, mũi xoang và ung thư vùng hạ họng.

Dấu hiệu nhận biết ung thư thanh quản:

Ho

Ảnh minh họa

Ho là biểu biểu hiện của nhiều bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan,… nhưng cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản nên cẩn trọng. Khi mắc bệnh này, chứng ho kín đáo hơn và mang tính chất kích thích, đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt.

Khàn tiếng

Các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo: Nếu chứng khản tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi >40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời. Đây là triệu chứng ung thư thanh quản sớm, thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân.

Khó thở

Ảnh minh họa

Biểu hiện khó thở có thể xuất hiện sớm hoặc cùng lúc với khàn tiếng. Kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp. Lúc đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức (lên cầu thang, mang vật nặng…), nhưng về sau chúng biểu hiện rõ rệt và thường xuyên hơn.

Khó nuốt

Thường xuất hiện sau chứng khàn tiếng và khó thở, lúc này khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo dấu hiệu đau tai. Bệnh nhân ở giai đoạn này không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống sonde dạ dày để bơm thức ăn.

Sút cân

Sút cân không rõ nguyên nhân kèm theo những bất thường nói trên là bằng chứng rõ ràng cho bệnh ung thư thanh quản. Do đó, cần lưu ý thăm khám kịp thời để xác định tình trạng và có phương án đối phó phù hợp.

Ung thư thanh quản có những giai đoạn:

Theo thông tin từ bác sĩ Bệnh viện K ung thư thanh quản gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 0: Ở giai đoạn này thì các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy tại thanh quản và chưa lây sang các bộ phận khác. Nếu phát hiện ở giai đoạn này bệnh có thể điều trị thành công, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì chúng sẽ phát triển thành ung thư và lan rộng sang các mô bình thường.

Giai đoạn 1: Lúc này khối u đã hình thành và cũng chỉ mới ở thanh quản chưa lây sang các cơ quan khác. Khối u ở vùng của thượng thanh môn, hoặc thanh môn, hạ thanh môn và dây thanh quản thường vẫn đi động bình thường.

Giai đoạn 2: Khối u vẫn chỉ ở thanh quản nhưng đã có sự thay đổi ở các vị trí của khối u, lúc này dây thanh có thể không di động được nữa.

Giai đoạn 3: Lúc này khối u đã lan rộng ngoài thanh quản.

Thượng thanh môn: Ở giai đoạn này thì khối u ở thanh quản hoặc ở mô kế thanh quản, hai dây thanh di động không bình thường, khối u lúc này có thể lan vào hạch bạch huyết ở cùng bên cổ từ chỗ xuất phát u và hạch lớn hơn 3cm.

Thanh môn: Khối u chỉ ở thanh quản và hai dây thanh không di động bình thường. Khối u có thể lan vào hạch ở cùng bên cổ với khối u xuất phát và hạch có kích thước nhỏ hơn 3cm.

Hạ thanh môn: Lúc này khối u chỉ thấy ở thanh quản, 2 dây thanh không di động bình thường, khối u có thể lan sang hạch bạch huyết ở cùng bên cổ với chỗ phát khối u và hạch có kích thước nhỏ hơn.

Giai đoạn 4: Lúc này các khối u đã bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan khác, xuất hiện hạch lan rộng và với kích thước to hơn.

Nếu gặp phải một trong những dấu hiệu trên, hãy đến ngay bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị hợp lý nếu mắc phải ung thư thanh quản.

Hoàng Ly
Theo Gia Đình Việt Nam