Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:17
RSS

Đánh bay bệnh có thể mắc chỉ vì cốc nước lạnh buổi sáng

Thứ năm, 10/10/2019, 06:30 (GMT+7)

Nhiều người rất dễ mắc phải bệnh đau bụng vì lạnh trong mùa thu, thậm chí chỉ vì cốc nước lạnh buổi sáng. Các gia vị có sẵn trong nhà bếp có tác dụng làm ấm cơ thể dưới đây sẽ giúp loại nhanh bệnh.

Khi thời tiết chuyển lạnh, cơ thể chưa thích nghi ngay lập tức nên hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm là nguyên nhân dễ mắc nhiều bệnh, trong đó có chứng đau bụng do lạnh. Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy – Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội) cho biết, mùa thu rất nhiều người gặp phải chứng bệnh đau bụng. Đau bụng có thể chia ra hai loại là đau bụng lạnh do thời tiết (ngoại hàn) và do thức ăn lạnh đưa vào.

Thường ở mùa thu hay gặp chứng đau bụng, lạnh bụng do nhiễm khí lạnh. Nguyên nhân có thể do nằm ngủ không đắp kín vùng rốn, bụng; đau có thể kèm theo đi đại tiện lỏng. Trong đông y, đau bụng do lạnh là do nhiễm phong hàn, phong kết hợp với hàn (gió và lạnh) hoặc có khi chỉ nhiễm hàn. Ngoài ra, mọi người có thể gặp phải chỉ với cốc nước lạnh ngay khi ngủ dậy uống cũng gây ra đau bụng đột ngột.

Đánh bay bệnh có thể mắc chỉ vì cốc nước lạnh buổi sáng
Đau bụng vì lạnh trong mùa thu có thể gặp phải chỉ sau khi uống cốc nước lạnh. Ảnh minh họa

Có những vị thảo dược đông y hỗ trợ do nhiễm phong hàn hoặc hàn thường có tính chất cay, nóng, ôn ấm trừ hàn như:

+ Dùng ngải cứu: Dùng 1 nắm ngải cứu (tươi hoặc khô) đun sôi kĩ cùng với 3 lát gừng (mỗi lần đổ 500ml nước đun sôi kĩ còn 200 ml) uống cũng làm giảm đau, hết đau. Ngày uống 3 lần. 

Đánh bay bệnh có thể mắc chỉ vì cốc nước lạnh buổi sáng - Ảnh 3.
Dùng nước ngải cứu đun cùng gừng, đau bụng vì lạnh dễ dàng khỏi

+ Nhục quế: Có thể đun một chút nhục kế khoảng 5gr. Lượng nước 200ml đun sôi kĩ còn 150 ml uống nóng ấm.

+ Quế, hồi kết hợp đun uống

+ Đập 3 – 5 lát gừng ra đun sôi cho một chút đường vào uống.

Ngoài ra có thể kết hợp bên ngoài chườm ngải cứu bằng cách bọc ngải cứu vào khăn vải rang nóng rồi hơ ấm lỗ rốn và vùng chung quanh chừng 5-10 phút. Chú ý không được quá nóng để tránh bị bỏng. Trẻ em có thể chườm bằng ngải cứu hoặc kết hợp xoa dầu nóng ở vùng quanh rốn, tuyệt đối không bôi trực tiếp vào rốn vì rốn được gọi là huyệt thần khuyết sẽ gây nóng sâu vào trong đường ruột.

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM cho biết, đau bụng do lạnh thường có một số triệu chứng như bụng lạnh đau, đầy bụng, ăn uống không tiêu, đi đại tiện lỏng, đôi khi kèm nôn, sợ lạnh, tay chân lạnh…

Để loại bỏ chứng lạnh bụng có thể sử dụng các loại có sẵn ngay trong nhà bếp như:

- Củ sả, lá tía tô: Mỗi thứ 12g; gừng khô 8g hoặc loại tươi là 12gr nấu với 500ml nước sắc còn 300ml. Uống làm hai lần trước bữa ăn.

- Gừng tính ấm, có công dụng chữa được các bệnh hư nhiệt, phong hàn. Gừng còn có tác dụng kích thích vị giác giúp ăn ngon hơn mùa đông. Khi đau bụng do lạnh có thể dùng gừng tươi hoặc gừng khô. Gừng tươi gọi là sinh khương, gừng khô là can khương. Theo đó

+ Gừng khô 12 g, củ riềng 15-20g. Hai vị đem nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn.

+ Gừng tươi 50g - 80g rửa sạch rồi xắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với một tách nước sôi. Uống ấm từng ngụm nhỏ. Để dễ uống có thể hòa cùng chút đường hoặc mật ong.

Đánh bay bệnh có thể mắc chỉ vì cốc nước lạnh buổi sáng - Ảnh 4.
Gừng có tính ấm rất tốt cho mùa thu

Để tránh đau bụng, lạnh bụng mùa thu, Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy khuyến cáo, khi ngủ mọi người cần giữ ấm vùng bụng, nhất là với trẻ nhỏ khi ngủ. Những người hay bị đau bụng, trước khi đi ngủ nên thoa dầu vào vùng bụng và vùng phía trên thắt lưng để tránh nhiễm lạnh.

Ăn uống tránh các thức ăn sống, lạnh như nghêu, sò, ốc, hến, rau sống, thức ăn để nguội qua đêm… Khi đã bị đau bụng do hàn hoặc phong hàn cần chú ý uống nước nóng hoặc ấm vừa miệng, tuyệt đối kiêng nước lạnh.

Phương Thuận
Theo Gia đình&Xã hội