Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:11
RSS

Đài Loan huy động tới 700 người để tìm 152 du khách Việt

Thứ sáu, 28/12/2018, 10:03 (GMT+7)

Ban đầu, NIA nói có 152 du khách Việt "mất tích" nhưng sau khi điều tra thì đã liên lạc được với 1 người trong số này, còn 3 người khác đã rời Đài Loan. Vì vậy, số du khách Việt "mất tích" dừng lại ở 148 người.

Bộ Ngoại giao dẫn thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, theo thông tin từ cơ quan chức năng Đài Loan, đến chiều 27/12, đã có 11/152 khách du lịch bị phía Đài Loan tạm giữ để phục vụ điều tra.

Cũng theo Bộ Ngoại giao, trên cơ sở thông tin và đề nghị của phía Đài Loan, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tổng cục du lịch và các cơ quan liên quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng Đài Loan điều tra, xử lý vụ việc.

Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng sở tại để nắm thông tin nhân thân và tiến hành thăm lãnh sự những trường hợp bị tạm giữ.

Tại cơ quan chức năng, có du khách khai đến Đài Loan thăm người thân, nhưng cũng có người thú nhận đến Đài Loan để ở lại lao động bất hợp pháp.

Trang ET Today cho biết hiện chính quyền Đài Loan cho triển khai 4 đội tìm kiếm ở nhiều thành phố gồm Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam, với khoảng 700 người tham gia điều tra. Vụ việc đã gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Đài Loan.

Một số nhóm (group) trên Facebook những ngày qua liên tục cập nhật tình hình, kêu gọi thành viên cẩn thận, luôn mang theo giấy tờ tùy thân khi ra ngoài, đặc biệt là thẻ cư trú. 

Đài Loan huy động số lượng 'khủng', tới 700 người để tìm 152 du khách Việt

Đài Loan huy động số lượng 'khủng', tới 700 người để tìm 152 du khách Việt
Hình ảnh từ các vụ bắt giữ du khách Việt. Ảnh: NLĐ & Thanh Niên

Về những rủi ro của việc lao động bất hợp pháp, chị T. (thư ký của một công ty có trụ sở tại Đài Bắc) chia sẻ với Báo Người Lao Động rằng lao động Việt Nam trước khi qua Đài Loan thường thanh toán phí môi giới khoảng 5.000 - 7.000 USD.

Sau khi qua Đài Loan làm, mỗi tháng họ sẽ phải trả 3.000 - 3.800 Đài tệ (100 - 125 USD) cho công ty môi giới nên từ năm thứ 2 hoặc 3, họ mới có thể để dành được tiền. Vì vậy, nhiều công nhân đã bỏ trốn, chấp nhận lao động chui "trong" các công ty mà không được đóng bảo hiểm, dễ gặp tai nạn.

Trong trường hợp bị bắt, họ sẽ lập tức bị trục xuất về nước nếu có đủ tiền mua vé máy bay; nếu không, họ phải lao động trong điều kiện bị giám sát cho đến khi đủ tiền mua vé. Cũng theo chị T., người Đài Loan chủ yếu mất thiện cảm với người Việt Nam vì những lao động dạng này.

Ông Hoàng Chính Thông, phó giáo sư tại khoa du lịch thuộc Đại học Tĩnh Nghị (PU) ở Đài Loan, cho Tuổi Trẻ biết rằng đây là một trường hợp hiếm thấy do xét về tỉ lệ bỏ trốn, trước nay trong số 1.000 du khách Việt Nam tới Đài Loan chỉ có 1 -2 người bỏ đoàn.

Theo ông, chính quyền Đài Loan không nên dừng cấp thị thực cho công dân Việt Nam theo dự án Quan Hồng. Nếu thực hiện hành động "đóng cửa" này, Đài Loan sẽ mất một thị trường rộng lớn từ Việt Nam.


Xem thêm: Khen thưởng công an tìm ra kẻ trộm 1200 chỉ vàng ở Hà Tĩnh

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN