Thứ tư, 12/02/2025 | 13:26
RSS

Đại học Mỹ thận trọng trước sắc lệnh của ông Trump

Thứ tư, 12/02/2025, 13:24 (GMT+7)

Đang có những làn sóng lo ngại và thay đổi lớn tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ...

Đại học Northeastern, Mỹ

Cuộc đàn áp đối với các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập, gọi tắt là DEI (Diversity, Equity and Inclusion) do Tổng thống Donald Trump khởi xướng đã tạo ra những làn sóng lo ngại và thay đổi lớn tại các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã chỉ trích các sáng kiến DEI, cho rằng chúng đồng nghĩa với phân biệt chủng tộc và tuyên bố sẽ “phạt các trường đại học” nếu họ tiếp tục duy trì các chương trình này.

Trong bối cảnh chính quyền ông Trump cấm các chính sách DEI trong các chương trình nhận tài trợ liên bang, các cơ sở giáo dục đại học đã phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, giữa việc giữ vững các giá trị đa dạng hoặc chấp nhận thay đổi để duy trì nguồn tài trợ quý giá.

Tại Đại học Northeastern ở Boston, chương trình trước đây gọi là “Văn phòng Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập” đã được đổi tên thành “Thuộc về Northeastern”, với trọng tâm mới là “sự gắn bó” và bao gồm tất cả các nhóm trong cộng đồng trường học. Theo Renata Nyul, người phát ngôn của trường, mặc dù, các cấu trúc và phương pháp tiếp cận có thể cần thay đổi, nhưng các giá trị cốt lõi của trường về việc xây dựng một cộng đồng đa dạng và gắn kết vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng tìm thấy cách thích ứng dễ dàng. Các biện pháp này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ những người làm việc trong lĩnh vực đa dạng, công bằng và hòa nhập, như Paulette Granberry Russell, Chủ tịch Hiệp hội các quan chức đa dạng trong giáo dục đại học quốc gia.

Chuyên gia này cho biết, nhiều tổ chức giáo dục đang phải đánh giá lại các khóa học, chương trình và thậm chí cả các đơn vị hành chính để tuân thủ các quy định mới này. Hậu quả lâu dài của việc thay đổi như vậy có thể rất sâu rộng đối với giáo dục đại học và lực lượng lao động nói chung.

Đặc biệt, Đại học Rutgers ở New Jersey đã phải đối mặt với tình huống đáng lo ngại khi phải hủy bỏ một hội nghị dành cho sinh viên các trường cao đẳng lịch sử của người da đen, do một khoản tài trợ liên bang dành cho các sáng kiến DEI đã bị tạm dừng. Sự không chắc chắn về tương lai các khoản tài trợ nghiên cứu liên quan đến DEI cũng khiến các giảng viên và sinh viên lo lắng.

GS Cameron Jones, làm việc tại California Polytechnic, bày tỏ lo ngại: “Tôi không chắc mình có thể nhận được khoản tài trợ nghiên cứu từ Quỹ Quốc gia về Khoa học Nhân văn hay không, mặc dù đó không phải là một khoản tài trợ DEI. Những thay đổi này sẽ gián tiếp tác động xấu đến các sinh viên da màu, khiến các nhà quản lý phải lùi bước trong các chương trình có lợi cho nhóm sinh viên này”.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều chấp nhận “thất bại” trước những sắc lệnh này.

Sheldon Fields, một nghiên cứu sinh và chuyên gia trong lĩnh vực phòng ngừa AIDS/HIV, chia sẻ: “Trước đó vào những năm 2000, khi các chương trình do liên bang tài trợ bị bế tắc, tôi và các đồng nghiệp đã tìm cách sáng tạo để tiếp tục công việc của mình mà không vi phạm các quy định. Điều này cho thấy rằng dù gặp khó khăn, các trường học và các nhà nghiên cứu vẫn sẽ không từ bỏ các chương trình và sáng kiến của mình”.

Cuộc tranh luận về DEI trong giáo dục đại học sẽ tiếp tục là một vấn đề nóng trong những năm tới, khi các trường đại học tìm cách cân bằng giữa cam kết của mình với các giá trị cốt lõi và yêu cầu tuân thủ các quy định mới từ chính quyền liên bang.

Trong khi một số trường vẫn giữ im lặng vì sự không chắc chắn và lo ngại về hậu quả, những trường khác như Northeastern và Mount Holyoke vẫn kiên quyết duy trì cam kết với các giá trị đa dạng, công bằng và hòa nhập, bất chấp những thay đổi do chính quyền ông Trump áp đặt. Chủ tịch của trường Danielle Holley cho rằng những chính sách này sẽ dễ bị thách thức về mặt pháp lý, và các giá trị của sự đa dạng và dân chủ đa chủng tộc không nên bị cấm.

Tú Anh
Theo Giáo dục & Thời đại