Chủ nhật, 24/11/2024 | 19:20
RSS

Đại học Hồng Đức công bố phương án tuyển sinh 2021

Thứ ba, 26/01/2021, 16:25 (GMT+7)

Năm 2021, Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) sẽ thực hiện tuyển sinh theo 5 phương thức.

Theo đó, năm nay, Trường đại học Hồng Đức tuyển sinh 4 ngành đào tạo chất lượng cao gồm: Sư phạm Toán, sư phạm Vật lý, sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử. Bên cạnh đó, Trường đại học Hồng Đức tuyển sinh 29 ngành đào tạo trình độ đại học và 1 ngành Cao đẳng giáo dục mầm non.

Kỳ tuyển sinh năm 2021, Trường đại học Hồng Đức tuyển sinh theo 5 phương thức như sau:

Phương thức 1 là sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Có tổng điểm 3 môn thi hoặc bài thi đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố (đối với các ngành đào tạo giáo viên, trừ 4 ngành đào tạo chất lượng cao) và mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (tất cả các ngành còn lại) do Nhà trường công bố. Điểm đối tượng ưu tiên, khu vực thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Phương thức 2 là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đã tốt nghiệp THPT và có tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển và điểm khu vực, ưu tiên (nếu có) đạt:

Phương thức 3 là sử dụng kết quả học tập ở THPT: Các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học (trừ ngành đào tạo chất lượng cao): Điểm trung bình chung 3 môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển của 3 học kỳ (kỳ 1, kỳ 2 lớp 11 và kỳ 1 lớp 12) ở THPT không thấp hơn 8,0 (theo thang điểm 10) và có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên;

Đối với ngành Giáo dục thể chất: Điểm trung bình chung 2 môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển của 3 học kỳ (kỳ 1, kỳ 2 lớp 11 và kỳ 1 lớp 12) ở THPT không thấp hơn 6,5 (theo thang điểm 10) và có học lực lớp 12 xếp loại từ Khá trở lên hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên; riêng thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế (trong vòng 4 năm) có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên hoặc điểm trung bình chung 2 môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển của 3 học kỳ (kỳ 1, kỳ 2 lớp 11 và kỳ 1 lớp 12) ở THPT tối thiểu đạt từ 5,0.

Các ngành đào tạo trình độ đại học ngoài sư phạm: Điểm trung bình chung 3 môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển của 3 học kỳ (kỳ 1, kỳ 2 lớp 11 và kỳ 1 lớp 12) ở THPT không thấp hơn 5,5 (theo thang điểm 10); Cao đẳng Giáo dục Mầm non có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm trung bình xét TN THPT từ 6.5 trở lên.

Phương thức 4 là tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT vào tất cả các ngành đào tạo, cụ thể: Học sinh đạt giải Quốc tế, Quốc gia (giải Nhất, giải Nhì và giải Ba) các môn văn hóa tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển; học sinh tốt nghiệp từ các trường THPT chuyên đăng ký vào các ngành phù hợp với môn học hoặc môn đạt giải: có ba năm học THPT chuyên đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức.

Thứ tự ưu tiên trong xét tuyển thẳng: Từ giải quốc tế đến quốc gia, cấp tỉnh và từ giải nhất, nhì đến giải ba.

Xét tuyển thẳng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh từ giải Ba trở lên: Nếu học lực lớp 12 đạt loại Giỏi được xét tuyển vào tất cả các ngành học (trừ ngành đào tạo chất lượng cao); nếu học lực lớp 12 đạt loại Trung bình/Khá, được xét tuyển vào các ngành đào tạo ngoài sư phạm.

Phương thức 5 là xét tuyển học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 hoặc TOEFL iPT từ 60 điểm trở lên (trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp chứng chỉ). Nếu có học lực lớp 12 đạt loại Giỏi được xét vào tất cả các ngành đào tạo (trừ ngành đào tạo chất lượng cao); nếu có học lực lớp 12 đạt loại Trung bình/Khá được xét vào học các ngành (trừ ngành đào tạo sư phạm).

Tương tự, mới đây, Khoa y - ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2021. Theo đó, năm nay, Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh ngành y khoa, răng - hàm - mặt, dược học và dự kiến mở ngành y học cổ truyền.

Thông tin trên Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Tuấn Kiệt - phó trưởng phòng đào tạo phụ trách tuyển sinh khoa y, cho biết: "Các phương thức tuyển sinh vẫn được duy trì ổn định như các năm trước. Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm nay có hai điểm mới.

Khoa y sẽ áp dụng thêm phương thức xét tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với khoảng 20% tổng chỉ tiêu.

Điểm mới khác là ngành dược học dành khoảng 20% để xét tuyển theo tổ hợp điểm thi THPT của 3 môn toán, lý, hóa. Tổ hợp toán, hóa, sinh vẫn được áp dụng trong tuyển sinh năm nay".

Chỉ tiêu tuyển cho từng ngành là: 100 chỉ tiêu cho ngành y khoa, 50 chỉ tiêu ngành dược, và 50 chỉ tiêu ngành răng - hàm - mặt. Cả ba ngành đều theo hình thức đào tạo chất lượng cao. Chương trình đào tạo được thiết kế tích hợp theo môđun với phương pháp dạy và học dựa trên vấn đề PBL. Riêng ngành y học cổ truyền dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu.

Sinh viên ngành y và răng - hàm - mặt được thực hành lâm sàng từ những năm đầu để tăng thời gian trải nghiệm trong môi trường làm việc ở bệnh viện. Yêu cầu trình độ đầu vào tương đương điểm IELTS 4,5.

H.H (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại