Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:42
RSS

Ông Dương Trung Quốc: Tên đường phố nên đặt là ông bà Trịnh Văn Bô

Thứ tư, 08/11/2017, 15:11 (GMT+7)

Theo ông Dương Trung Quốc, đặt tên đường phố nên đặt là ông bà Trịnh Văn Bô, để tôn vinh xứng đáng với đóng góp mà hai vợ chồng cụ dành cho cách mạng.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Đặt tên đường phố nên đặt là ông bà Trịnh Văn Bô
Theo đại biểu Dương Trung Quốc tên đường phố nên đặt là ông bà Trịnh Văn Bô. Ảnh báo Thanh niên

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người từng hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước trong "Tuần lễ vàng" năm 1945 đã qua đời hồi 23h15 ngày 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.

Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Ông Quốc chia sẻ, cá nhân ông là người có nhiều thời gian được tiếp xúc với cụ Hoàng Thị Minh Hồ bởi hai gia đình trước đây cùng ở trên tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, theo báo Trí thức trẻ.

"Mẹ tôi thua cụ Hồ khoảng 10 tuổi và gần đây, do tuổi tác cao, di chuyển khó chứ trước đây, hai cụ vẫn đi lại với nhau. Cách đây 2 năm, tôi vẫn đưa mẹ đến gặp cụ và các cụ vẫn giữ được nếp sống ngày xưa là cổ điển nhưng chân thành. Đặc biệt nhất ở cụ Hoàng Thị Minh Hồ chính là giữ chữ tín, một phẩm chất tốt đẹp nhất của nhà công thương xưa", ông Quốc chia sẻ.

Theo ông Quốc, việc đóng góp 5.000 lượng vàng của vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ là điển hình của thời kỳ lịch sử mà Nhà nước và người dân tạo được lòng tin với nhau.

Lòng tin này không phải ở một chiều mà đây là lòng tin hai chiều và quan trọng hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là phải có tín tâm. Câu này, theo ông Quốc, bắt đầu từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi giám sát công tác chuẩn bị chiến đấu của Hà Nội vào năm 1946.

Khi đó, Bác hỏi chúng ta có giữ được Hà Nội không thì mọi người đều thể hiện quyết tâm nhưng Bác nói quyết tâm không đủ mà phải tín tâm. Tín tâm là phải có lòng tin chứ không phải quyết tâm là quyết định làm mà không có lòng tin.

Theo ông Quốc, gia đình cụ Trịnh Văn Bô là điển hình cho sự đóng góp và cống hiến của lực lượng công thương trong những ngày đầu cách mạng. Nhưng cụ Bô là người không những đóng góp tiền bạc mà còn cưu mang những người cách mạng. Cụ đã dành nhà ở của mình để thành di tích lịch sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá đây là điều rất đáng ghi nhận, theo báo Thanh niên. 

“Khi biểu dương cụ Trịnh Văn Bô và cụ Hoàng Thị Minh Hồ thì chúng ta cần biểu dương các nhà công thương. Biểu dương đường lối của cụ Hồ lúc đó là biết tin vào dân, dựa vào dân và được dân tin. 

Chúng ta phải xác lập điều đó để khi khó khăn vẫn có lòng tin của dân. Cụ Bô là người đi đến cùng trong cuộc cách mạng mặc dù sau này có các chính sách chưa thực sự đúng với họ... nhưng họ vẫn giữ được niềm tin, tư cách, không bất mãn, không gì cả”, ông Quốc nói.

Về việc tôn vinh với gia đình cụ Trịnh Văn Bô, theo ông Quốc, cụ là một người tiêu biểu nhưng tôn vinh cụ là cả một thế hệ. Vì thế theo ông, đặt tên đường phố nên đặt là ông bà Trịnh Văn Bô, để tôn vinh xứng đáng với đóng góp mà hai vợ chồng cụ đã dành cho cách mạng.

Thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch đặt tên 20 đường phố, trong đó có tên ông Trịnh Văn Bô, người tặng hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ. Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) được đề nghị đặt tên cho một phố thuộc Quận Cầu Giấy.

Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, từ đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN