Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:59
RSS

Trước khi hiến hơn 5.000 lượng vàng, bà Minh Hồ và chồng kinh doanh ra sao?

Thứ ba, 07/11/2017, 10:46 (GMT+7)

Bà Minh Hồ cùng chồng là ông Trịnh Văn Bô trước khi hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng từng là người giàu có và kinh doanh phát đạt nhất tại Hà Nội.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và chồng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng
Trước khi hiến hơn 5.000 lượng vàng bà Minh Hồ và ông Trịnh Văn Bô kinh doanh phát đạt. Ảnh Tri thức trực tuyến.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô - người hiến tặng Nhà nước hơn 5.000 lượng vàng trong Tuần lễ vàng (năm 1945) vừa qua đời.

Lãnh đạo UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, cụ Hoàng Thị Minh Hồ qua đời vào khoảng 23h ngày 5/11, tại nhà riêng ở 34 Hoàng Diệu, hưởng thọ 104 tuổi, theo báo Dân trí. 

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ là vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô – một thương nhân nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Cụ Trịnh Văn Bô (1914-1988), quê làng Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Ông Bô là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng trong Tuần lễ vàng năm 1945. Số vàng này gần gấp đôi ngân khố Chính phủ bấy giờ.

Cha của doanh nhân Trịnh Văn Bô là cụ Trịnh Văn Đường (nguyên quán tại xã Đồng Hoàng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây - nay thuộc huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội). Cụ Đường là chủ tiệm buôn Phúc Lợi có tiếng ở Hà Nội xưa và là một nhà nho thời đó. Do đó, từ nhỏ, doanh nhân Trịnh Văn Bô đã được thừa hưởng một nền giáo dục cẩn thận từ cha mẹ, theo báo Zing news.

Theo lời kể của người thân, từ nhỏ, doanh nhân Trịnh Văn Bô đã chịu khó học hỏi để sớm nối nghiệp cha mẹ. Thậm chí, ông từng xin mẹ tiền, ra chợ buôn bán tơ gần nhà mua rồi xuống cuối chợ bán lại. Những đồng lãi đầu tiên dù ít ỏi nhưng đủ để nhen nhóm tham vọng kinh doanh của ông sau này.

Năm 1932, ông kết hôn cùng cụ bà Hoàng Thị Hồ (sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt thêm chữ đệm thành Hoàng Thị Minh Hồ).

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ cũng là con một gia đình giàu sang, quyền quý bậc nhất Hà Nội bấy giờ. Bà là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác.

Cụ bà Minh Hồ được biết đến là người rất giỏi nữ công gia chánh, tháo vát. Hai vợ chồng cụ được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa tên hiệu Phúc Lợi cùng số vốn ban đầu 30.000 đồng Đông Dương.

Nhờ tiếng tăm của gia đình, với tài kinh doanh thiên bẩm, doanh nhân Trịnh Văn Bô đã kế tục sự nghiệp của cha mẹ, từng bước tạo dựng và đưa thương hiệu Phúc Lợi phát triển. Khi đã có chỗ đứng vững chắc, vợ chồng ông bà không ngừng mở rộng sản xuất, giảm giá thành cho sản phẩm của mình.

Vợ chồng cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Trịnh Văn Bô thời trẻ: Ảnh TL

Với vốn ngoại ngữ, doanh nhân Trịnh Văn Bô cũng mạnh dạn đưa thương hiệu vải Phúc Lợi ra thị trường ngoài nước. Sản phẩm tơ lụa của Phúc Lợi đã được buôn bán sang các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ...

Từ một cửa hiệu Phúc Lợi ban đầu, gia đình ông tiếp tục mở thêm các cơ sở. Những cửa tiệm này gia đình ông không thuê mà mua đứt luôn với giá hàng chục cây vàng. Kho lụa luôn đầy ắp và lượng người làm công đông đảo là hình ảnh quen thuộc của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô thời đó.

Gia đình cụ dành rất nhiều tiền để đóng góp từ thiện, giúp đỡ người nghèo và lớn nhất là hỗ trợ cho cách mạng và nền độc lập của đất nước.

Năm 1936, khi người Pháp di dời nghĩa trang Hợp Thiện, hàng trăm bộ hài cốt phải chuyển. Thành phố đi quyên góp tiểu sành, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 100 chiếc.

Năm 1937, 2 huyện Đông Khê, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) bị ném bom, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 2.000 đồng Đông Dương. Hai năm sau, ông bà Trịnh Văn Bô cũng bỏ 2.000 đồng Đông Dương mua gạo cứu tế cho người dân Hưng Yên bị lũ lụt.

Trong nạn đói năm 1945, hai cụ đều kịp thời mang mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo, phát cho người đói, nhờ thế mà nhiều người thoát chết trong gang tấc.

Trong Tuần lễ Vàng, gia đình cụ tiếp tục đóng góp 117 cây vàng. Ngoài ra, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (thời giá lúc đó). Gia đình cụ cũng hiến tặng Chính phủ căn nhà số 48 Hàng Ngang để làm địa điểm lưu niệm. Căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu cũng được cho Nhà nước mượn phục vụ vào việc chung.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN