Thứ tư, 24/04/2024 | 20:07
RSS

'Đại án' 2 chiếc thớt gỗ và 3 cây 'quái thú' nghênh ngang trên QL

Thứ sáu, 06/04/2018, 09:06 (GMT+7)

Hai cái thớt gỗ bị phát hiện, người chở thành “lâm tặc”. Còn ba cây gỗ khủng trên quốc lộ chưa rõ đích đến phục vụ ai? Cuộc chiến chống lâm tặc đang cần sự nghiêm minh trong thực thi công vụ của các lực lượng chức năng.

Đại án 2 chiếc thớt gỗ và 3 cây quái thú nghênh ngang trên QL
Ảnh kiểm lâm Hà Giang bắt 2 thớt gỗ. 

Nên nhớ, cái thớt không từ trên trời rơi xuống, một cái thớt thôi, cũng đủ đốn ngã một cây nghiến. Ba cây gỗ khủng chắc chắn phải từ rừng. Máu rừng thì vẫn chảy, trong khi Thủ tướng đã lệnh đóng cửa rừng.

So sánh nhiều người bảo nực cười, nhưng thật sự lại có thể thấy sự vô lý đến cùng cực của sự việc này. Hai cái thớt gỗ chở đi bị coi là lâm tặc, bị phạt và cả hệ thống vào cuộc. Còn ba cây gỗ khủng vượt cả trăm km từ Tây nguyên ra đến miền Trung mà vẫn lọt qua hàng loạt trạm kiểm soát, trạm kiểm tra giao thông thì có phải chuyện lạ hay không?

Nhớ câu chuyện về vụ “đại án” của kiểm lâm huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bắt quả tang một người dân tên là Giàng Mí Lầu đang vận chuyển 2 cái thớt gỗ nghiến và bị xử phạt hành chính vì tội vận chuyển gỗ trái phép. Người dân chở 2 cái thớt gỗ ngoài đường sau khi mua được cũng có thể chở thành “đối tượng”, thành “lâm tặc” để lực lượng kiểm lâm bắt quả tang và xử lý, cho dù chỉ là phạt vi phạm hành chính cũng là một sự nực cười.

Ba cây gỗ khủng ấy, một cây đã được chủ vườn xác nhận là cây trong vườn, còn hai cây còn lại ở đâu ra, không lẽ giữa phố? Ắt hẳn đó phải là từ rừng. Rừng đã bị đóng cửa nhiều năm nay, vậy sao vẫn còn khai thác được những cây gỗ khủng ấy? Chẳng lẽ việc ra khỏi rừng dễ đến như vậy mà kiểm lâm không biết?

Rồi cả việc ba cây gỗ khủng ấy đi nghênh ngang trên quốc lộ nhiều ngày trời mà CSGT các địa phương không quan tâm, kiểm lâm các địa phương không quan tâm, đến nỗi đi qua hàng loạt các địa phương từ Đăk Lăk tới Thừa Thiên Huế mới bị giữ lại. Công tác tuần tra kiểm soát của kiểm lâm, của CSGT, TTGT chẳng lẽ lại yếu kém đến vậy khi không chỉ một mà tới ba cây gỗ khủng đến như vậy vẫn đi qua được?

Xét việc xử phạt 2 người tiêu thụ thớt gỗ của tổ tuần tra kiểm lâm Mèo Vạc là hoàn toàn chính xác. Người chở hai thớt gỗ bị bắt, qua cách xử lý của kiểm lâm Mèo Vạc đã trở thành “lâm tặc”. 

Nhưng chắc chắn không một ai cho rằng chính vì những "lâm tặc" như người chở hai thớt gỗ ấy là nguyên nhân chính khiến những cánh rừng đại ngàn của Việt Nam đã bị tàn phá tan hoang, nguyên nhân của lũ lụt, sạt lở, mất mùa đói kém lâu nay.

Trong khi đó, cứ nhìn vào cách khoe của không phải là tiền bạc mà là những bộ bàn ghế nguyên khối, những bộ phản dày vài tấc trong dinh thự những người lắm tiền, lắm quyền có thể thấy việc những thân cây ngã xuống giữa rừng, rồi lần lượt ra khỏi rừng, rồi bằng cách nào đó hiện diện trong những ngôi nhà của những người giàu có, quyền lực, thì chẳng thấy ai nói sao?

Có khác chăng ở đây là cái vị thế của đối tượng. Cả hai anh Lầu và Lình đều là "lâm tặc" hạng quèn, mần ăn chụp giật theo kiểu vắt mũi đút miệng. Thế cho nên, bắt các anh không khó, nhắm mắt cũng chộp được dễ dàng. Còn thứ lâm tặc ngàn khối kia, bắt đâu có dễ. Đụng vào không khéo "chết" như chơi!

Liệu có ai đặt câu hỏi rằng liệu những cây gỗ khủng này nếu được vận chuyển thành công ra Bắc, sẽ có đích đến là dinh thự nào? Thế cho nên mới có chuyện con voi chui lọt lỗ kim. Có lẽ người ta chỉ nhìn thấy và sẵn sàng ra tay trấn áp những vụ việc nhỏ nhặt, lặt vặt, còn những vụ việc động trời ai dại gì mà động vào, chả phải đầu khéo lại phải tai.

Đại án 2 chiếc thớt gỗ và 3 cây quái thú nghênh ngang trên QL
Cây gỗ khủng nghênh ngang đi công khai trên quốc lộ.

Thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng từ lâu. Nhưng rừng lim cổ thụ tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Bung, ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mới đây bị đốn hạ 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào, tổng khối lượng hơn 235 m3.

 Nếu tính cả số cây rừng bị đốn hạ trong vài năm trở lại đây thì khối lượng lớn hơn nhiều. Lâm tặc mở đường, cưa cây, xẻ thành phách, chuyển theo đường bộ và đường thủy rầm rộ như một công trường nhưng các cơ quan hữu trách ở địa phương "không biết". Khi phát hiện ra, vào cuộc chậm trễ và nay “đang chỉ đạo điều tra, làm rõ”…

Những đồ gỗ đắt tiền, toàn là gỗ loại cực quý, cấm khai thác, những cây cột tròn to vật vã, những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, những tượng, những tranh, những hành lang dài hun hút ốp gỗ quý… trong tư dinh biệt phủ của ai đó chỉ nhìn thôi là người ngoài đủ choáng ngợp bởi sự xa hoa.

Liệu họ có thấy xót xa và cả khinh bỉ, căm phẫn khi nghĩ đến những cánh rừng bị tàn sát dã man, những trận lụt hãi hùng, những cơn lũ quét kinh hoàng gieo rắc tang thương cho đồng bào hàng năm trên đất nước này vẫn diễn ra đều đặn và năm sau kinh hoàng hơn năm trước?

Rừng vẫn bị chảy máu và bao kẻ giàu lên từ rừng, bất chấp luật pháp, bất chấp luật đời, nhân quả. Dĩ nhiên, các cơ quan chức năng không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể chịu thua lâm tặc. Vụ hai thớt gỗ, rồi bây giờ là vụ ba cây gỗ khủng. Vụ nào kinh hoàng hơn cho việc phá rừng?

Chắc hẳn chẳng cần nói ai cũng biết được. Trộm của rừng, ăn của rừng thì một đồng cũng như một ngàn tỉ, bản chất sự việc chẳng có gì khác nhau dù chỉ là hai thớt gỗ hay cả ba cây khủng đang nằm phơi sương phơi gió ngoài kia. Cuộc chiến chống lâm tặc đang cần sự nghiêm minh trong thực thi công vụ của các lực lượng chức năng.

Nếu các cán bộ kiểm lâm nói riêng và cả hệ thống pháp luật nói chung ai cũng mẫn cán và quyết liệt như việc xử lý vụ hai thớt gỗ, bằng tinh thần kiên quyết không bỏ lọt tội phạm đặng tiếp tục lập được những chiến công lớn hơn trong tương lai, máu của rừng sẽ không còn chảy nữa!

Lúc đó chắc chắn dư luận càng sung sướng và tự hào về các anh!


Xem thêm Đắk Lắk: 'Đột nhập' hiện trường khai thác cây 'quái thú'

Tiêu Dao – Minh Ngọc
Theo Dân việt