Ảnh minh họa
VNE dẫn nguồn tin từ Cơ quan Phòng vệ Dân sự Ý hôm 29/3 cho biết nước này xuất hiện thêm 5.217 ca nhiễm nCoV mới, khiến tổng số ca tăng 5,6% lên 97.698, trong đó 13.030 người đã bình phục. Ý đang điều trị cho 3.906 trường hợp nguy kịch, tăng 50 ca so với một ngày trước.
Với 97.689 ca nhiễm nCoV và 10.779 người chết, tỷ lệ tử vong do covid-19 tại Ý là 11%, được cho là cao nhất thế giới và gấp khoảng 2,3 lần tỷ lệ tử vong toàn cầu. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay, báo cáo số ca nhiễm là 141.169, nhưng số người chết chỉ bằng khoảng 23% Ý.
Viện Y tế Quốc gia Ý (ISS) cho hay độ tuổi trung bình của người tử vong là 78,5, với nạn nhân trẻ nhất 31 tuổi và già nhất 103 tuổi. Khoảng 41% số người chết ở nhóm tuổi 80-89 trong khi nhóm tuổi 70-79 chiếm 35%. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Ý đặc biệt cao.
Người Ý bắt đầu hy vọng cuộc khủng hoảng y tế sẽ hạ nhiệt sau khi số ca tử vong mới hàng ngày có dấu hiệu chậm lại vào hôm 22/3. Tuy nhiên, việc số liệu những ngày sau đó tiếp tục tăng khiến hy vọng vụt tắt.
Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế người dân đi lại trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Công nghiệp Ý Stefano Patuanelli cho rằng, những biện pháp nghiêm ngặt này là yếu tố mang lại hy vọng các quy định về đi lại sẽ được nới lỏng vào thứ Sáu tuần tới.
Ở Mỹ, ca tử vong do Covid-19 đã tăng lên hơn 2.229, gấp đôi sau ba ngày trong tổng số hơn 123.780 ca nhiễm, trong đó thành phố New York chiếm 1/4. Một trẻ sơ sinh ở thành phố Chicago, bang Illinois thuộc số ca tử vong mới, đánh dấu trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong đại dịch Covid-19.
Với 123.780 ca nhiễm, Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới. Hệ thống chăm sóc y tế tại các bang, trong đó có bang New York đang trong tình trạng quá tải. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ thực hiện cách ly ở New York, và cũng có thể ở New Jersey, một số khu vực nhất định ở Connecticut.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 832 ca tử vong do Covid-19, Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 28/3 thông báo, nước này sẽ triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn để buộc những người lao động làm việc trong ngành không thiết yếu phải ở nhà trong hai tuần tới. Nội các Tây Ban Nha thông qua biện pháp này trong cuộc họp sáng 29/3 và sẽ cho triển khai từ ngày 30/3 đến 9/4.
Trong bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, ông Sanchez nhấn mạnh, quyết định nêu trên sẽ giúp Tây Ban Nha giảm đáng kể số ca mắc Covid-19 và trong vài ngày tới, nước này sẽ tiến hành một “nỗ lực tập thể mạnh mẽ”.
Ông Sanchez cũng hối thúc EU hành động và có “một chiến lược thống nhất về kinh tế, xã hội”. Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi và ông cho rằng các nước thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó dịch bệnh.
Malaysia đến nay ghi nhận 2.470 ca nhiễm Covid-19, cao nhất khu vực Đông Nam Á, và số ca tử vong là 34. Nước này đã đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, đồng thời áp đặt lệnh hạn chế đi lại cho tới ngày 14/4 nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob ngày 29/3 cho biết 649 người hôm qua bị bắt, trong đó 73 người đã thú nhận một số hành vi vi phạm như tụ tập thành nhóm, cản trở hoạt động của các quan chức công cộng và vượt qua hàng rào phong tỏa do cảnh sát lập nên.
Tổng cộng, gần 1.300 người đã bị bắt kể từ khi nhà chức trách Malaysia ban hành các quy định phong tỏa hôm 18/3. "Nhiều người viện lý do rằng họ chỉ ra ngoài mua thực phẩm", Bộ trưởng Isamail nói. "Nhưng họ bị bắt gặp ra ngoài tới 4 lần một ngày, đến mức cảnh sát còn nhận ra mặt họ... Rõ ràng, họ không thành thật". Những người vi phạm lệnh giới hạn có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên đến 6 tháng.