Thứ tư, 20/11/2024 | 13:55
RSS

Cứu sống bệnh nhân bị điện giật ngưng tim

Thứ năm, 28/05/2020, 10:37 (GMT+7)

Bị điện giật, anh T rơi vào trạng thái ngưng tim, ngưng thở, da tím tái,… Được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, anh T, đã được cứu sống một cách kỳ diệu.

Cứu sống bệnh nhân bị điện giật ngưng tim
Anh T. sau khi được cấp cứu hiện sức khỏe đang hồi phục tốt - Ảnh: HOÀNG ANH

Theo Báo Tuổi Trẻ thông tin, sáng 28/5, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở do tai nạn lao động. Mọi người xung quanh đã ngắt cầu dao điện quanh hồ và cứu anh T. lên bờ. Lúc này, anh T. đã ngưng tim, ngưng thở, da tím tái, đồng tử 2 bên giãn, không phản xạ với ánh sáng.

Sau khi nhận được tin báo, các bác sĩ đã đến hiện trường và tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng oxy, đặt nội khí quản, xốc điện… cho bệnh nhân. Sau 25 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại, đồng tử co nhỏ, da niêm mạc hồng, được thở máy.

Được biết, trước đó anh T đi vớt rác tại hồ nhỏ ở khuôn viên một quán ăn. Khi đó, anh T bị giật điện, ngã xuống hồ. May mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, bệnh nhân được rút nội khí quản và được điều trị tích cực tại khoa hồi sức bệnh viện.

Theo các chuyên gia, nguy cơ sốc điện phụ thuộc vào loại dòng điện như dòng điện cao áp như nào, dòng điện đi qua cơ thể, sức khỏe tổng thể của người đó và nạn nhân được điều trị nhanh như thế nào. Một cú sốc điện có thể gây bỏng, hoặc nó có thể không để lại dấu vết rõ ràng trên da.

Trong cả hai trường hợp, một dòng điện đi qua cơ thể có thể gây tổn thương bên trong, ngừng tim hoặc chấn thương khác. Trong một số trường hợp nhất định, ngay cả một lượng điện nhỏ cũng có thể gây tử vong.

Khi phát hiện người bị điện giật phải nhanh chóng tìm cách tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, CB) hoặc rút phích cắm, cầu chì….

Sau khi đã tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện phải tuỳ vào các hiện tượng sau đây để xử lý thích hợp:

Người bị nạn chưa mất trí giác. Để nạn nhân ra chỗ thoáng khí, yên tĩnh chăm sóc cho hồi tỉnh.  Sau đó mời y, bác sĩ hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, chăm sóc.

Người bị nạn đã mất trí giác. Đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh. Nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong miệng người bị nạn ra. Cho người bị nạn ngửi amoniac hoặc nước tiểu. Ma sát toàn thân người bị nạn cho nóng lên. Mời y, bác sỹ đến hoặc đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi chăm sóc.

Trúc An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN