Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:39
RSS

Cục Viễn thông giải đáp vì sao phải chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động?

Thứ hai, 19/06/2017, 16:48 (GMT+7)

Bên cạnh quy định về giấy tờ tùy thân, việc lấy dấu vân tay hoặc chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động là hành động cần thiết để xác định một giao dịch là có thật.

Trả lời báo chí về quy định chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động, bà Lê Thị Ngọc Mơ – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, có 3 lý do chính để Cục ban hành Nghị định 49 nhằm siết chặt hơn việc đăng ký SIM di động.

Bảo đảm an ninh quốc gia

Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là vô cùng cần thiết. Theo bà Mơ, có làm được như vậy thì mới có thể phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi người mỗi người dân.

chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động 1

Việc chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động sẽ giúp ngăn chặn SIM rác. Ảnh minh họa

Nếu không quản chặt thông tin thuê bao thì có thể dẫn đến tình trạng gọi điện, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, phát tán tin nhắn rác hay thông tin độc hại...

Tăng cường công tác quản lý 

Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều rất coi trọng và có những quy định nghiêm ngặt về công tác quản lý thông tin thuê bao di động. Những nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử và mỗi khi thực hiện đăng ký SIM, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.

Vì vậy ngoài quy định về giấy tờ tùy thân, việc lấy dấu vân tay hoặc/và chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật. Bi lẽ, ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác nên vô cùng khó để kiểm soát.

2/3 thuê bao di động sai thông tin

Những năm qua, dù cách quy định quản lý thông tin thuê bao di động ở nước ta đã rất chặt chẽ nhưng tính đến đầu năm 2016, thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động vẫn bị sai. 

Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi ngày tháng năm sinh hoặc số chứng minh nhân dân sai, cho đến bản chụp chứng minh thử giả. Đặc biệt, rất nhiều chứng minh thư của người này được gán cho số điện thoại của người khác trong quá trình đăng ký thuê bao di động.

"Chính vì những lý do trên, nhằm hướng tới một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính chủ, Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp chân dung người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện" - bà Mơ phân tích.

chup anh chan dung chu thue bao di dong 2

Nhà mạng phải chịu trách nhiệm bảo mật thông tin người đăng ký thuê bao di động. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, từ góc độ doanh nghiệp và người dân, quy định chụp ảnh chân dung chủ SIM hoàn toàn khả thi vì rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng smartphone, iPad, webcam hoặc camera phù hợp. Trong khi đó, quá trình lấy và lưu trữ dấu vân tay như một số nước đang áp dụng hiện nay phức tạp hơn nhiều.

Đại diện Cục Viễn thông cũng lưu ý, trường hợp khách hàng sử dụng thuê bao không chính chủ có thể sẽ bị mất số điện thoại, không còn nhận được ưu đãi từ nhà mạng và bị cắt liên lạc hoặc thậm chí cắt dịch vụ nếu không đi đăng ký lại thông tin theo yêu cầu của nhà mạng.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên chủ động kiểm tra thông tin thuê bao di động bằng cách tra trên trang thông tin của nhà mạng hoặc soạn tin nhắn “TTTB” gửi tới số 1414. Sau đó, người dùng cần tiến hành cập nhật lại thông tin thuê bao, giao kết lại hợp đồn theo đúng quy định (trong đó bao gồm cả việc phải chụp ảnh chân dung chủ thuê bao).

 

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN