Thứ ba, 16/04/2024 | 23:40
RSS

Đắk Lắk: Xin lỗi công khai người đàn ông mang thân phận bị can suốt 33 năm

Thứ năm, 25/01/2018, 14:29 (GMT+7)

Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu (sinh năm 1940) vì đã bắt oan sai suốt 33 năm về trước vì một “lọ tinh dầu cam”.

Cụ ông bị bắt oan sai suốt 33 năm vì lọ tinh dầu cam
Cụ ông bị bắt oan sai suốt 33 năm vì "lọ tinh dầu cam". Ông Nguyễn Lâm Sáu cùng con trai có mặt tại UBND phường từ rất sớm để dự buổi xin lỗi. Ảnh Vietnamnet

Sáng 25/1, tại Ủy ban nhân dân phường Khánh Xuân (thành phố Buôn Ma Thuột), Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu (sinh năm 1940), ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột vì đã bắt oan sai cho ông suốt 33 năm về trước vì một “lọ tinh dầu cam", TTXVN đưa tin.

Trước đó, năm 1977, ông Sáu được điều từ miền Bắc vào làm kỹ sư nông nghiệp tại Nông trường Ea Kao tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 1980, ông Sáu tố cáo một số cán bộ nông trường Ea Kao tham nhũng. 

Sau đó, Đoàn thanh tra của tỉnh Đắk Lắk tiến hành điều tra, phát hiện một số sai phạm của lãnh đạo nông trường như “công tác quản lý đất đai, quản lý xe máy, vườn cây, tự thu, tự chi, lập chứng từ khống…”​.

Tuy nhiên, việc xử lý những người vi phạm, bị tố cáo chưa được tiến hành thì vợ chồng ông Sáu đã bị buộc thôi việc (không lý do). 

Cụ ông bị bắt oan sai suốt 33 năm vì lọ tinh dầu cam
Cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk bắt tay thăm hỏi sức khỏe ông Sáu sau buổi xin lỗi. Ảnh Vietnamnet

 Đại tá Nguyễn Thế Lực – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, ngày 14/11/1985, Phòng An ninh kinh tế - văn hóa của đơn vị đã bắt giữ ông Sáu để làm rõ hành vi buôn bán hàng trái phép, theo báo Vietnamnet.

"Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp, tạm giữ để tiến hành điều tra, làm cơ sở cho việc ra hoặc không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông Sáu. Lúc đó, ông Sáu chưa bị khởi tố bị can và được cơ quan chức năng thả tự do" – đại tá Lực cho hay.

Cũng theo đại tá Lực, trong quá trình giải quyết đơn của ông Sáu đã phát hiện những vi phạm của ông Bùi Văn Nhị (nguyên Trưởng phòng An ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk - người trực tiếp chỉ đạo), ông Bùi Văn Cường (nguyên cán bộ thực hiện lệnh bắt, khám xét).

Theo đó, các cán bộ này sử dụng tùy tiện và sai biểu mẫu tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra, gồm: mẫu biên bản khám xét (bắt, khám xét đối với ông Sáu trong trường hợp bắt khẩn cấp không phải là bắt giam nhưng sử dụng biểu mẫu biên bản khám xét trong trường hợp bắt giam);

khi thay đổi biện pháp ngăn chặn phải sử dụng quyết định trả tự do lại sử dụng lệnh tạm tha, dẫn đến sai sót trong hoạt động điều tra, ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với ông Sáu.

Bên cạnh đó, việc tạm giữ ông Sáu cũng trái quy định, tạm giữ quá 7 ngày. Ngoài ra, sau khi ông Sáu được tạm tha, Phòng An ninh kinh tế - văn hóa không tiếp tục điều tra làm rõ để kết luận và giải quyết dứt điểm vụ việc là không đúng với quy định của pháp luật ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Sáu.

Đại tá Nguyễn Thế Lực thay mặt Công an tỉnh Đắk Lắk nói lời xin lỗi công khai đối với ông Sáu. Đồng thời, mong ông Sáu chia sẻ những khó khăn của ngành, bỏ qua cho những sai sót trong nghiệp vụ của cán bộ điều tra đã gây oan sai cho ông. 

Đại tá Nguyễn Thế Lực cũng cam kết Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện đầy đủ việc thỏa thuận bồi thường vật chất, tinh thần cho ông Sáu theo đúng quy định pháp luật.

Phát biểu tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Lâm Sáu đã chấp nhận lời xin lỗi của lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, lời xin lỗi của cá nhân ông Bùi Văn Nhị.

“Là con người, trong đời ai cũng sẽ mắc lỗi, sẽ có sai phạm. Có sai phạm nhưng quan trọng là có muốn sửa hay không. Tôi chấp nhận lời xin lỗi của Công an tỉnh Đắk Lắk, của ông Nhị.” – ông Nguyễn Lâm Sáu nói. Ông Sáu cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng ông trong suốt chặng đường kêu oan.

Liên quan đến vụ oan sai, ngày 14/11/1985, ông Nguyễn Lâm Sáu bị Công an tỉnh Đắk Lắk bắt tại nhà riêng vì nghi ngờ buôn bán hàng trái phép. Lệnh bắt không có sự phê chuẩn của VKS, khi công an bắt người không có đại diện chính quyền địa phương chứng kiến. Trong biên bản bắt, công an thu giữ một chai 65 ml dầu cam đã hư hỏng để làm vật chứng.

Ngày 21/11/1985, ông Sáu được thả bằng “Lệnh tạm tha” của công an tỉnh với nội dung: “Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, đúng giờ”... Tuy nhiên, sau đó ông Sáu không hề thấy tờ giấy gọi nào của cơ quan pháp luật. Cũng từ đó ông Sáu và người con trai gửi đơn đi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.

Đến năm 2013, Công an tỉnh Đắk Lắk mới ra quyết định về việc giải quyết đơn khiếu kiện lần đầu đối với ông Nguyễn Lâm Sáu. Cơ quan An ninh điều tra thừa nhận, việc tạm giữ ông Nguyễn Lâm Sáu trong 7 ngày (từ 18-24/11/1985) và việc sử dụng sai mẫu Biên bản khám xét và Lệnh tạm tha trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra đối với ông Sáu, dẫn đến ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN