Theo WHO, khoảng 80% động vật bị tiêm thuốc kháng sinh ở các trại chăn nuôi. Ảnh Internet
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã lên tiếng cảnh báo người chăn nuôi phải dừng ngay việc sử dụng kháng sinh trên vật nuôi bởi đây chính là một trong những "thủ phạm" làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, cùng với đó là các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người.
Ngày 8/11, WHO đã đưa ra báo cáo về tình trạng khoảng 80% kháng sinh đã được sử dụng tại các trang trại chăn nuôi. Thậm chí ở những quốc gia cấm sử dụng chất tăng trưởng, kháng sinh được sử dụng nhiều trên động vật hơn là ở người, theo báo Dân trí.
Các hướng dẫn mới nhất từ tổ chức y tế toàn cầu này đề nghị nông dân ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho mục đích tăng trưởng nhanh và ngăn ngừa bệnh ở động vật nuôi, một thực tế đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có châu Á và Mỹ Ngay cả châu Âu, nơi luật cấm đã ban hành, người ta nghi ngờ rằng vẫn có vi phạm.
Lạm dụng thuốc kháng khuẩn trong ngành chăn nuôi là một trong những "thủ phạm" hàng đầu gây ra tình trạng siêu kháng thuốc - kháng lại tất cả các kháng sinh mạnh nhất, khiến chúng trở nên vô tác dụng.
Vật nuôi dùng kháng sinh sẽ truyền trực tiếp (người chăn nuôi) hay gián tiếp (thực phẩm) các siêu kháng khuẩn cho con người. Một cuộc điều tra của tờ Guardian đã tìm thấy tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) trong nhiều mẫu thịt heo tại các siêu thị ở Anh.
WHO, cho biết: mối liên quan giữa sử dụng kháng sinh trong các trang trại chăn nuôi với nguy cơ sức khỏe ở người rất rõ ràng: “Các bằng chứng khoa học cho thấy lạm dụng kháng sinh trên vật nuôi góp phần vào tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động hiện nay. Lượng kháng sinh dùng cho vật nuôi đang gia tăng trên toàn thế giới, tương ứng với nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật đang tăng lên”.
WHO cũng khuyến cáo rằng những con vật khỏe mạnh chỉ nên được nhận thuốc kháng sinh để phòng bệnh nếu một bệnh được chẩn đoán ở đàn. Khi các bác sỹ thú y điều trị động vật, WHO nói chỉ nên sử dụng thuốc ít quan trọng nhất đối với sức khỏe con người theo danh sách của WHO, theo báo Thanh niên.
Thuốc kháng sinh được sử dụng trên động vật hoặc trùng hoặc rất giống với thuốc kháng sinh được sử dụng ở người, đó là lý do tại sao chúng góp phần làm gia tăng sự nhiễm trùng ở người không đáp ứng với thuốc.
Tiến sĩ David Wallinga, chuyên gia chăm sóc sức khoẻ của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên (NRDC) - thành viên trong nhóm phát triển hướng dẫn của WHO, kêu gọi các khuyến nghị "tuyệt vời", thêm rằng một số quốc gia đã thực hiện theo những thực tiễn tốt nhất.
Chẳng hạn, Hà Lan đã giảm gần 60% lượng kháng sinh ở động vật và Namibia không còn sử dụng kháng sinh nữa trong sản xuất thịt bò. Năm 2006, Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng kháng sinh ở động vật để khuyến khích tăng trưởng. Mỹ chỉ chính thức hạn chế việc sử dụng kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2017.