Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:09
RSS

CSGT tắt điện thoại khi làm nhiệm vụ để tránh bị nhờ vả

Chủ nhật, 11/08/2019, 11:16 (GMT+7)

Để tránh việc nhờ cậy trong quá trình xử lý vi phạm, công an TP Huế đưa ra nội quy cho các chiến sĩ là khi lên đường tuần tra kiểm soát phải tắt điện thoại di động.

CSGT tắt điện thoại khi làm nhiệm vụ để tránh bị nhờ vả
Lực lượng CSGT công an TP Huế ra quân tham gia tuần tra kiểm soát và tuyên truyền về việc sử dụng chất kích thích khi lái xe. Ảnh: Một thế giới

Trong hơn 1 tháng vừa qua, lực lượng CSGT công an TP Huế đã huy động tối đa quân số để tham gia tuần tra kiểm soát và tuyên truyền về việc sử dụng chất kích thích khi lái xe.

Trao đổi với PV Một thế giới, thượng tá Lê Viết Phương, Phó trưởng công an TP Huế cho biết, CA Thành phố Huế đã đưa ra nội quy cho các chiến sĩ là khi lên đường tuần tra kiểm soát phải tắt điện thoại di dộng để bảo đảm sự công bằng, tránh nhờ cậy trong quá trình xử lý.

Thượng tá Lê Viết Phương cho hay: “Tôi tắt máy từ lúc vừa rời khỏi cơ quan, khi mở máy có nhiều cuộc gọi nhỡ nhưng trên hết vẫn là an toàn giao thông cho cố đô Huế, chúng tôi phải nỗ lực làm sao cho tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe trong địa bàn TP Huế giảm hẳn và con số vụ tai nạn giao thông hạ xuống đột biến”.

Được biết trong hơn 1 tháng ra quân toàn đội, lực lượng CSGT công an TP Huế đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm luật giao thông về nồng độ cồn, trong đó có không dưới 10 trường hợp bị xử phạt ở mức 17 triệu và giam bằng 4-6 tháng.

“Dĩ nhiên đối với những xe ở xa TT-Huế mình vẫn tạo điều kiện xử lý sớm giúp để họ trở về nhà nhưng đối với những người có dấu hiệu chống đối thì chúng tôi phải xử lý quyết liệt để tránh tình trạng tái phạm”, thượng tá Phương cho hay.

CSGT tắt điện thoại khi làm nhiệm vụ để tránh bị nhờ vả 2
CSGT đang tiến hành kiểm tra một tài xế. Ảnh: Một thế giới.

Việc yêu cầu CSGT phải tắt điện thoại khi làm nhiệm vụ đã từng gây tranh cãi từ cách đây vài năm. Rất nhiều người nghi ngờ tính khả thi và mức độ hiệu quả của quy định này.

Tại tỉnh Tây Ninh từ cuối tháng 4/2013, Công an tỉnh đã quyết định lực lượng CSGT (kể cả lực lượng được huy động để hỗ trợ) không được mang theo điện thoại di động khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Thay vào đó, chỉ được thông tin liên lạc qua máy bộ đàm do công an tỉnh cấp. Nếu người thân trong gia đình cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ có việc gấp cần liên hệ sẽ được cung cấp số của trực ban để liên lạc.

Trao đổi với báo chí vào thời điểm đó, Trung úy Nguyễn Minh Hòa - Tổ trưởng Tổ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường 30/4 (TP Tây Ninh) cho biết, không mang điện thoại, anh em cũng bớt bị phiền hà bởi những cú điện thoại từ bên ngoài nhằm can thiệp, xin xỏ. Mọi việc cần trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo đều liên lạc với cấp trên qua bộ đàm.

“Thời gian đầu, do thói quen nên anh em gặp một số khó khăn khi cần chi viện lực lượng hỗ trợ, nhưng vấn đề đó đã nhanh chóng được khắc phục. Nhờ không dùng điện thoại, cán bộ, chiến sỹ chuyên tâm vào công việc và giải quyết tình huống phát sinh nhanh hơn, chính xác hơn” , Trung tá Hòa nhận định.

Hiệu quả của mô hình này ở Tây Ninh là không thể phủ nhận. Vì thực tế cho thấy, số vi phạm mà lực lượng CSGT tại đây xử lý tương đối cao so với các địa phương khác.

CSGT tắt điện thoại khi làm nhiệm vụ để tránh bị nhờ vả 3
Thay vì sử dụng điện thoại, CSGT chỉ được thông tin liên lạc qua máy bộ đàm. Ảnh: GTVT

Tuy nhiên đã có không ít những tranh cãi xung quanh quy định này:

Đa số ý kiến cho rằng đây là một quyết định hết sức tích cực nhưng vẫn còn khá nhiều mặt hạn chế. Đặc biệt với tình hình phức tạp của xã hội hiện nay, với diễn biến xấu của các vụ tai nạn hay tội phạm nguy hiểm, nếu CSGT không được trang bị điện thoại cá nhân, chẳng may gặp những trường hợp nguy cấp, nếu chỉ dùng bộ đàm liên lạc thì rất khó.

Ví dụ trường hợp bộ đàm trục trặc tín hiệu, sẽ không thể liên lạc cứu nguy, rất nguy hiểm. Hay như những trường hợp người bị tai nạn giao thông, CSGT không có điện thoại di động cũng không thể gọi cho cấp cứu, chẳng lẽ lại dùng bộ đàm gọi về cho đội, rồi từ đội gọi lên bệnh viện.

"Thiết nghĩ, không nên cấm nhưng cần phải có một chế tài quản lý sát sao, tránh tình trạng CSGT sử dụng điện thoại di động với mục đích ngoài công việc trong giờ làm việc.", một độc giả chia sẻ với báo Giao thông.

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN