Thứ năm, 12/09/2024 | 21:27
RSS

CSGT khó xử lý ô tô có BKS gắn bản đồ thiếu Hoàng Sa-Trường Sa

Thứ năm, 23/07/2020, 11:33 (GMT+7)

Bộ TT&TT mới đây đề nghị các Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Công thương… vào cuộc xử lý các xe ô tô dán bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, việc xử lý lại không dễ dàng.

Trao đổi với Báo giao thông ngày 22/7, Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, không có điều khoản nào quy định CSGT xử lý các trường hợp này.

“Đến nay cơ quan chức năng cấp trên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý này. Nếu có quy định thì lực lượng lập tức xử lý ngay”, Đại tá Truyền nói.

Đại tá Phan Ngọc Truyền cho biết thêm, có người gắn bản đồ Việt Nam vào biển số vì tinh thần yêu nước. Đáng lo là các đối tượng xấu lợi dụng việc này để xuyên tạc về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

“Về chủ trương, tôi chỉ đạo anh em khi dừng phương tiện có biển số in hình bản đồ Việt Nam thì phải làm rõ việc này nhằm mục đích gì? Nếu là theo tinh thần yêu nước thì bản đồ phải có đầy đủ Hoàng Sa - Trường Sa, toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Tránh để tinh thần yêu nước bị các thế lực chống phá lợi dụng để xuyên tạc thông qua việc này”, Đại tá Phan Ngọc Truyền nói và cho biết thêm, do CSGT chưa có thẩm quyền xử phạt việc này nên chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền.

CSGT khó xử lý ô tô có BKS gắn bản đồ thiếu Hoàng Sa-Trường Sa
Ảnh: ANTĐ

Trước đó, theo báo ANTĐ, qua theo dõi nắm tình hình, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) phát hiện tình trạng có nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân và tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe, nhưng những bản đồ này không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hiện nhiều khung biển số ôtô, môtô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố cả nước và một số sàn giao dịch điện tử. Nhiều phương tiện đã mua khung biển này và gắn vào xe.

Bộ TT&TT cho rằng, các phương tiện giao thông có phạm vi đi lại rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo. Về lâu dài, việc này gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Bộ TT&TT đề nghị các Bộ: Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải phối hợp xử lý các hành vi vi phạm nêu trên theo thẩm quyền. Việc xử lý căn cứ vào Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 72/CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; Nghị định số 18/CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN