Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:00
RSS

Covid-19 khiến 4 doanh nghiệp lỗ hơn 20.700 tỷ đồng

Thứ tư, 08/04/2020, 10:29 (GMT+7)

Doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách đang gặp những khó khăn vô cùng lớn, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.

Covid-19 khiến 4 doanh nghiệp vận tải lỗ hơn 20.700 tỷ đồng
Covid-19 khiến 4 doanh nghiệp vận tải lỗ hơn 20.700 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines (VNA) đang là doanh nghiệp dẫn đầu về thiệt hại. Ảnh: VNA 

Theo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, Vietnam Airlines (VNA) đang là doanh nghiệp dẫn đầu về thiệt hại. Với số nợ đến hạn vào đầu tháng 3, cùng số tiền khởi đầu năm khoảng 3.500 tỷ đồng tiền mặt nhưng nay đã cạn. 

Trong những tháng đầu năm riêng VNA chỉ đạt doanh thu khoảng hơn 19.200 tỷ đồng. Lỗ hơn 2.300 tỷ đồng. Ông vua trong ngành hàng không dự tính, Covid-19 kéo dài đến những tháng cuối năm, tổng doanh thu cả năm nay sẽ hụt hơn 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ hơn 19.600 tỷ đồng. Dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt xấp xỉ 15.000 tỷ đồng. 

Vào đầu tháng 2, theo Reuters thông tin, VNA đã thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần khi doanh thu sụt giảm chỉ riêng với đường bay Trung Quốc

Như vậy, theo chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh phân tích, tính đến thời điểm này và nhìn vào dòng tài chính thời gian tới, nguy cơ VNA và các đơn vị thành viên khó vay thêm. VNA sẽ cần Nhà nước hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng.

Khó khăn tương tự là TCty Đường sắt Việt Nam (VNR), tổng doanh thu của VNR chỉ đạt 527 tỷ đồng, lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020, công ty mẹ hụt doanh thu lên tới 1.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực đường bộ, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng hụt doanh thu 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch bệnh không biến chuyển VEC sẽ lỗ hơn 140 tỷ đồng. 

Lĩnh vực hàng hải cũng thất thu vô cùng lớn. Hoạt động dịch vụ cảng và vận tải biển của TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), chỉ đạt 2.218 tỷ đồng cho đến hết tháng 3 và lỗ khoảng 113 tỷ đồng. Nếu kéo dài tình hình dịch đến cuối năm, công ty mẹ sẽ lỗ ước tính 67 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Báo Tiền Phong thông tin, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN kiến nghị Thủ tướng sớm quyết định và áp dụng các giải pháp hỗ trợ DN, như: Lùi thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; giảm thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu; Thúc đẩy các ngân hàng khoanh nợ, kéo dài hạn vay tín dụng, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các DN vay vốn lưu động; Ngân hàng Nhà nước sớm triển khai để DN tiếp cận được với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng không lãi suất…

Tổng công ty nhà nước duy nhất trong lĩnh vực giao thông có lãi là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). DN này dự kiến có thể hụt thu cả năm khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng vẫn có lãi gần 1.500 tỷ đồng.

Thiệt hại về kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải, mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Mặc dù các doanh nghiệp đang có nhiều hành động nhằm ứng phó với ảnh hưởng kinh tế từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài thêm sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Theo thông tin từ Báo Đầu Tư, Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm qui mô sản xuất; có 18,1% phải tạm dừng hoạt động; 0,8% có khả năng phá sản.

Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động; 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm qui mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ tăng cao, đến mức 19,3% nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9/2020 và 39,3% nếu dịch kéo dài đến hết năm nay. 

Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu

Bên cạnh đó, tại cuộc họp trực tuyến với chủ đề ‘Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống Covid-19’, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, có đến 90% số doanh nghiệp chịu tác động dịch bệnh khác nhau.

Ông cho rằng, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành khi các nhà nhập khẩu EU và Mỹ tạm ngừng nhập khẩu hàng Việt Nam. Riêng với thị trường Trung Quốc đã bị hạn chế rất nhiều do thiếu nguyên liệu, bởi các doanh nghiệp Việt chủ yếu nhập khẩu 60% đến 70% nguyên liệu.

Ngoài áp lực doanh thu, các doanh nghiệp cũng rất khó khăn về vấn đề tài chính khi lãi vay phải tính theo từng ngày. Trong khi các khoản chi phí đóng đinh cố định vẫn phải chi trả đều.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN