Ngày 14/4, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm do Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 49 tuổi, ngụ số 366 Lê Quý Đôn, P.Kỳ Bá, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cầm đầu. Ngoài hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan công an đang xác minh hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua hoạt động mai táng trên địa bàn tỉnh.
Tại Thái Bình có hàng chục doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng phải hằng tháng đóng tiền cho băng nhóm của Đường “Nhuệ” khi thực hiện dịch vụ hỏa táng. Việc đóng tiền này bắt đầu từ cuối năm 2017 cho đến nay.
Từ năm 2017 đến nay, thống kê hơn 5.000 trường hợp. Với số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng, Công ty Dương Đường thu phế hàng tỷ đồng… Được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, nhưng chưa có dịch vụ hỏa táng.
Trong khi đó, mỗi một tháng, trung bình Thái Bình có 300 – 400 ca hỏa táng. Các trường hợp gia đình có người chết tại Thái Bình sẽ lựa chọn việc đưa người thân đi hỏa thiêu tại Đài hóa thân ở tỉnh Nam Định hoặc Hải Phòng. Tuy nhiên, dù đưa đi hỏa thiêu tại đâu thì các doanh nghiệp mai táng cũng phải nộp khoản tiền “phế” là 500.000 đồng/người cho băng nhóm Đường “Nhuệ”, nếu muốn yên ổn để làm ăn.
Phản ánh với PV Thanh Niên chiều 14/4, bà N.L (chủ một DN mai táng ở TP.Thái Bình) cho hay từ năm 2014 - 2016, DN của bà ký kết với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (H.Mỹ Lộc, Nam Định) do Công ty CP Hoàng Long làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2017, hoạt động của DN đặt dưới sự điều phối của băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Cụ thể, các DN trên tỉnh Thái Bình được “chia” các địa bàn để hoạt động, trong đó, mỗi DN chỉ được thực hiện dịch vụ tại khoảng 10 xã và không được xâm phạm vào lãnh địa của nhau. Khi đưa một người chết đi thiêu, DN phải “báo cáo” tên tuổi, thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”, gọi là “báo ca”, rồi định kỳ mỗi tháng 2 lần đóng tiền cho băng nhóm này. Mức thu được ấn định là 500.000 đồng/lần hỏa thiêu.
“Trước đó, họ buộc chị phải ký vào biên bản viết tay thể hiện DN nộp 500.000 đồng cho một thi thể đưa đi hỏa thiêu là tự nguyện làm từ thiện, nhưng họ quản lý, sử dụng số tiền này ra sao thì chị không được biết”, bà N.L bức xúc và cho rằng khoản tiền này thực chất là ăn trên xác chết, bởi sau đó DN dịch vụ mai táng phải thu thêm từ thân nhân gia đình người đã mất ngoài các khoản chi phí theo dịch vụ để nộp cho nhóm Đường “Nhuệ”.
Anh Q.V.C (nhân viên công ty Vĩnh Hằng hoạt động tại Nam Định có văn phòng tại Thái Bình) cho VOV biết, công ty anh nhiều lần bị o ép, khống chế; trực tiếp anh đã phải “báo ca” thu tiền các ca hỏa táng, sau đó nộp theo tháng cho Nguyễn Xuân Đường.
“Thời điểm cuối 2017, ở Thái Bình có 23 công ty dịch vụ. Có 1 cuộc họp cách đây 2 năm, lúc đó anh Đường mời hết các văn phòng lên, đưa ra một văn bản là các dịch vụ phải ký kết thông qua “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” do Công ty Đường Dương lập ra. Các dịch vụ phải báo qua Đường Dương sau đó mới được về Đài hỏa táng. Nếu các dịch vụ không báo mà vẫn làm thì “bỏ kèn đi” tức là không thể làm nữa” - anh C. kể.
Việc ăn chặn dịch vụ hỏa táng của công ty Đường Dương khiến nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực này uất ức. Anh C. cho biết, công ty Vĩnh Hằng của anh đã từng gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình, tuy nhiên, khi đi lấy chữ ký của các văn phòng kinh doanh (23 văn phòng thời điểm năm 2018), không văn phòng nào dám ký vào đơn vì sợ bị trả thù.
Theo anh C., với mỗi công ty như anh, trung bình mỗi tháng, phải nộp cho Đường 45 – 50 triệu tiền phế. Với những trường hợp chống đối, bất hợp tác, ngoài việc không cho xe tang lễ chở về Đài hỏa táng ở Nam Định, Nguyễn Xuân Đường bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng, với những trường hợp chống đối thì những “sự cố” như đập vỡ cửa kính xe, đập phá văn phòng…đã từng xảy ra.