Thứ bảy, 18/01/2025 | 21:48
RSS

Đầu tư vào dự án KĐT Tân Phú liệu có đi vào 'vết xe đổ' của Alibaba?

Thứ tư, 15/04/2020, 09:49 (GMT+7)

Tham gia đầu tư dự án KĐT Tân Phú khiến nhiều khách hàng giờ như ngồi trên đống lửa khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án chuyển nhượng dự án sai quy định...

Góp vốn vào dự án là tang vật “vụ án hình sự”

Khu đất 43ha – KĐT Tân Phú là tài sản công nhưng Tổng công ty Sản Xuất – XNK Bình Dương (TCT Bình Dương) là doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh uỷ Bình Dương đã tự ý chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác. Thương vụ chuyển nhượng đất có dấu hiệu mập mờ, tự ý định giá bèo, gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Đến ngày 2/10/2017 Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn trong công ty Tân Phú cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh (Kim Oanh Group). Ngay sau đó, Kim Oanh Group nhanh chóng bắt tay vào đầu tư dự án 43 ha “đất vàng” toạ lạc tại giao lộ Phạm Ngọc Thạch – Võ Văn Kiệt TP. Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương với hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà phố liền kề.

KĐT Tân Phú

Số phận của hàng trăm khách hàng ra sao khi đầu tư vào dự án KĐT Tân Phú là tang vật của “vụ án hình sự”​?

Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính số 08/QQD-XPVPHC ngày 12/2/2018 đối với công ty Tân Phú, do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định, buộc dừng thi công dự án …

Không dừng lại ở đó, thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp đồng vay tiền, góp vốn… chủ đầu tư mới đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng. Theo số liệu thống kê, tại bản cân đối kế toán ngày 31/12/2018 của công ty Tân Phú với tổng tài sản là hơn 1.300 tỷ đồng (trong khi đó vốn đầu năm chỉ vọn vẻn hơn 200 tỷ đồng), nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ. Liệu số tiền nợ này có phải huy động vốn từ khách hàng của Kim Oanh Group tại dự án Tân Phú?

Tính đến thời điểm giữa năm 2018 đến tháng 10/2019 Kim Oanh Group đã có hơn 600 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hành theo số tài khoản của công ty Tân Phú với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng (chưa tính giao dịch tiền mặt). Trong đó, có những giao dịch có giá trị chuyển nhương vài chục tỷ đồng vào đầu năm 2019 cho công ty Tân Phú để được quyền chọn mua 07 lô đất có tổng diện tích gần 1.000m2. Với giao dịch này thì có thể thấy được các lô đất này được bán giá không dưới 40 triệu đồng/m2, cao gấp 70 lần so với giá chuyển nhượng từ đất “công” sang “tư”.

Quyền lợi khách hàng… có giống Alibaba?

Nhiều khách hàng lỡ xuống tiền mua nền tại dự án KĐT Tân Phú như ngồi trên đống lửa khi vừa qua cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại TCT Bình Dương. Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố ba bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Nguyên Vũ (thành viên Hội đồng thành viên, Tổng GĐ TCT Bình Dương) đã bị bắt tạm giam. Riêng ông Huỳnh Thanh Hải, 56 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng TCT Bình Dương, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (trực thuộc Tổng công ty Bình Dương) bị khởi tố về hành vi như trên và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Biên – Trưởng chi nhánh văn phòng Luật An Phước cho hay, theo quy định của pháp luật hiện nay chỉ có 2 trường hợp được huy động vốn là huy động vốn theo luật các tổ chức tín dụng và luật doanh nghiệp, huy động vốn theo luật kinh doanh bất động sản

“Rõ ràng việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng cũng là một hoạt động kinh doanh bất động sản chứ không phải kinh doanh bất động sản chỉ có hình thức “mua” và “bán”. Do đó, ngay cả khi nhà đầu tư huy động vốn bằng hình thức ký kết hợp đồng góp vốn thì cũng phải đáp ứng các điều kiện để bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh như đã nêu ở trên”, luật sư Vũ Văn Biên phân tích.

 “Riêng đối với các cá nhân sử dụng doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản (nhưng thực chất không kinh doanh, không có dự án) kêu gọi huy động vốn vào các dự án “ma”, dự án không có thật, với những thủ đoạn tinh vi, những lời mời chào ngon ngọt, hấp dẫn nhằm lấy lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị khởi tố theo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Vũ Văn Biên cho biết thêm.

Có thể thấy Kim Oanh Group đã huy động vốn trái phép tại dự án KĐT Tân Phú, ngay từ khi dự án này vẫn còn nằm trên giấy. Đầu tháng 4/2020, nhà chức trách tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 lãnh đạo TCT Bình Dương liên quan tới vụ chuyển nhương 43ha “đất vàng” – KĐT Tân Phú từ “công” sang “tư” càng khiến khách hàng và nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa khi trót đầu tư vào dự án này.

Vào tháng 9/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba và nhiều bị can khác với hành vi “tự vẽ” ra dự án không có thật để huy động vốn từ 6.700 khách hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng. Đến đây, dư luận không khỏi quan ngại, liệu câu chuyện buồn Địa ốc Alibaba có tái diễn tại KĐT Tân Phú?

Đại Dương - Giang Tử
Theo Đời sống Plus/GĐVN