Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:13
RSS

Công sở không nên nghỉ Tết quá dài vì sẽ phí phạm thời gian

Thứ sáu, 19/01/2018, 19:00 (GMT+7)

Trao đổi với PV Đời sống Plus, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng cho rằng, công sở không nên nghỉ Tết quá dài vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc và phí phạm thời gian.

Tết Nguyên đán càng cận kề, tranh cãi về việc nên bỏ hay giữ Tết Âm lịch ngày càng trở nên gay gắt. Có không ít ý kiến cho rằng, chúng ta đang lãng phí không ít thời gian, công sức, tiền bạc cho Tết, vì vậy, nên bỏ Tết để hội nhập. Trong khi đó, luồng ý kiến khác lại phủ nhận điều này, họ cho rằng, Tết cổ truyền là nét riêng có của dân tộc Việt Nam bỏ Tết là bỏ đi nguồn cội. Cũng có một số ý kiến đề xuất nên việc gộp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch vào một để "đỡ tốn kém".

Giữa tâm bão tranh cãi nên bỏ hay giữ Tết Âm lịch, PV Đời sống đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng - chuyên gia Văn hoá, Phó Trưởng khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

ngày Tết Nguyên Đán 5
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng - Chuyên gia Văn hoá, Phó Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, tranh cãi về việc giữ hay bỏ Tết Nguyên đán đã diễn ra được hơn 10 năm nay, khởi đầu từ ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân, người có tâm huyết với sự phát triển của văn hoá Việt Nam.

Ông đề nghị bỏ Tết vì nhận thấy càng ngày, mọi người càng làm mất đi vẻ đẹp của Tết truyền thống, các hủ tục phát sinh, nạn cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan xuất hiện ngày càng nhiều... 

ngày Tết Nguyên Đán 4

Tuy vậy, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, với người Việt, Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt, do vậy, cần phải gìn giữ chứ không thể bỏ.

"Thứ nhất, Tết Nguyên đán được coi như một “bảo tàng” về văn hoá dân tộc, văn hoá truyền thống. Nó chứa đựng rất nhiều Mỹ tục, cho nên cần phải được lưu truyền.

Thứ hai, ăn Tết Nguyên đán đã trở thành thói quen hàng ngàn đời của Việt Nam và phù hợp với quan niệm, đạo lý ứng xử của con người đối với vũ trụ, thiên nhiên và cộng đồng.

Thứ ba, đây là dịp để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để thể hiện lòng tri ân đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, trời đất" - Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng nói.

ngày Tết Nguyên Đán 3

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng, Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ rất linh thiêng của các gia đình, đại gia đình, làng xã, cộng đồng, dân tộc. Và trong chiều sâu của văn hoá Việt, người Việt Nam luôn luôn có nhu cầu và khát vọng rất lớn, đó là về quê ăn tết. Cũng chính vì vậy mà Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả.

"Nhiều người cho rằng chúng ta đang sử dụng cái Tết của Trung Quốc Nhưng thực ra trước khi chúng ta tiếp nhận cái tết của Trung Quốc bây giờ thì Việt Nam đã có tết của riêng mình rồi. Tết là từ đọc chệch của từ Tiết (tức Phân đoạn thời gian) theo quy trình sản xuất nông nghiệp.

Trước khi chúng ta tiếp xúc với văn hoá Trung Quốc thời kỳ nhà Hán thì Việt Nam đã có nền văn hoá nông nghiệp thời kì Văn Lang – Âu Lạc rồi. Rõ ràng đây là tết để tạ ơn trời đất, mẹ Lúa hay tổ tiên, ông bà. Vậy nên trong tết của Việt Nam mới có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"- Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng chia sẻ

ngày Tết Nguyên Đán 2

Theo đó, bánh chưng là triết lý của “trời tròn, đất vuông” và tạo nên sự khác biệt. Văn hoá Tết của Việt Nam có bánh chưng còn văn hoá Tết của người Trung Quốc lại không hề có bánh chưng. Đây vừa là lịch sử, bản sắc, giá trị văn hoá, chúng ta nên gạn đục khơi trong để nó trở nên đẹp, chứ không nên vì thế mà bỏ đi.

ngày Tết Nguyên Đán 1

Trước câu hỏi thời gian nghỉ Tết 7 ngày với công nhân viên chức và nửa tháng với sinh viên liệu có quá dài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng cho rằng:

"Thời gian dài hay ngắn là do các chủ thể quản lý quyết định, chứ không phải do tự thân của tạo hoá. Nhưng theo tôi, công sở không nên nghỉ Tết quá dài vì như thế rất ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc, mà cũng phí phạm thời gian"

Minh Hoàng
Theo Đời sống Plus/GĐVN