Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:04
RSS

Con vào lớp 1, chọn trường nào để không "thức đêm, đạp cổng" mà tương lai vẫn thành danh?

Chủ nhật, 13/03/2022, 15:40 (GMT+7)

Mùa tuyển sinh vào lớp 1 chính thức nóng với sự kiện phụ huynh xếp hàng thức đêm để mua hồ sơ. Câu hỏi đặt ra là chọn trường Tiểu học nào mới thực sự phù hợp cho con?

Tiêu chí chọn trường cho con vào lớp 1

Liên quan đến vấn đề chọn trường cho con vào lớp 1, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa giáo dục Tiểu học, Đại học Sư Phạm Hà Nội cho hay: "Lâu nay có nhiều phụ huynh nghĩ rằng, trường học ổn sẽ có giá trị quyết định việc học tập thành hay bại của con đến 90%. Tuy nhiên, là người làm trong ngành giáo dục tiểu học lâu năm, tôi thấy cần có vài câu nhắn nhủ nhỏ với các cha mẹ như sau.

Bất kể trường nào khác trên đất nước Việt Nam cũng theo khung chương trình của Bộ GDĐT. Vì thế, không có chuyện học trường kém thì con mình không biết gì. Hơn nữa, các trường đều được phòng, sở quản rất chặt chẽ về việc thực hiện chương trình. 


Học sinh Trường Tiểu học Phạm Tu, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Mặt khác, mục tiêu học tập của con trẻ ở cấp tiểu học vô cùng đơn giản. Các con chỉ cần đọc thông viết thạo, làm tính cộng trừ nhân chia và vài phép đổi đơn giản là có thể đã hoàn thành mục tiêu. Những bài toán khó, những bài được đặt dấu sao đều có nghĩa là không bắt buộc, con không làm được cũng không sao. Các cha mẹ đừng quá sốt ruột và nghĩ là con phải làm được mọi thứ bài tập. Vì thế, việc chọn lựa trường lớp cầu kỳ cũng không tốt. Việc nâng cao học vấn của các con ở trường chỉ là 1 trong 3 mục tiêu: kỹ năng, đạo đức và học vấn. Nếu các con chỉ được quan tâm 1 trong 3 mục tiêu này thì rõ ràng là con phát triển sẽ lệch lạc".

Theo TS Thu Hương, hiện nay các trường học vẫn đang bị bệnh thành tích bủa vây khắp nơi từ phía phụ huynh, phía ban giám hiệu, phòng, sở và thậm chí ở chính giáo viên. Do vậy, nếu trường nào đó ép bài tập về nhà hay dụ dỗ học thêm, cha mẹ cũng có thể hiểu rõ lý do.

Các trường điểm, tiếng tăm, đông học sinh đôi khi sẽ làm cô giáo mất khả năng kiểm soát tình hình và con còn có thể bị sức ép thành tích nặng nề. Vì thế, việc vào trường điểm đôi khi không phải là lựa chọn tối ưu.

"Trường nào cũng có ưu điểm và nhược điểm kể cả quốc tế hay dân lập. Cũng đã có nhiều học sinh không sao thích ứng được với môi trường dân lập và quốc tế chứ không phải đó là lựa chọn ổn nhất cho con", TS Hương nhấn mạnh.

Vì vậy, theo TS Hương, khi chọn trường cho con, cha mẹ cần ưu tiên các tiêu chí sau:

Một là chọn cho con ngôi trường gần nhà. Gần nhà thì con sẽ có thể tự đi đến trường và con sẽ học được tính tự lập rất tốt. Các cha mẹ cũng dễ dàng xử lý vấn đề nếu như con có chuyện gì đó ở trường. Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều là trường con ở xa, đi lại vất vả và khi có chuyện thì bố mẹ mất cả công việc để đến xử lý.

Tiêu chí thứ hai là chọn lớp ít học sinh và không có tiếng tăm, lớp chọn. Lớp tốt, trường tốt có nhiều tiêu chí chứ không phải chỉ riêng cô giáo có thành tích tốt.

"Ở các trường dân lập, phụ huynh cân nhắc với việc chọn lớp song bằng và tiếng Anh, vì chương trình học nặng hơn trường công lập. Nhiều học sinh không thể "tải" hết được cả chương trình của trường và chương trình của Bộ GDĐT. Học sinh tiểu học không nên yêu cầu quá nhiều khiến các em sợ học.

Ngoài ra, cha mẹ nên đến cổng trường và nói chuyện với bọn trẻ. Nếu trường nào có tỉ lệ các cháu lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự cao hơn thì cho con vào. Vì giáo dục đạo đức luôn làm điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi giai đoạn giáo dục con người. Các con đồng loạt lễ phép thì đúng là nhà trường đã giáo dục đạo đức cho các con rất tốt. Đạo đức tốt thì việc gì cũng sẽ ổn", TS Hương cho hay.

Cuối cùng TS Thu Hương nhắn nhủ, mỗi người được gọi là thành công thì có nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải do trường học quyết định. Bản thân mỗi đứa trẻ, đặc biệt là gia đình mới là yếu tố chính. Vì vậy, bản thân bố mẹ phải quan tâm, yêu thương con thì nhất định con sẽ học chỉn chu và có ích trong tương lai.

Tào Nga
Theo Dân Việt