Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:57
RSS

Con hoại tử xương, viêm màng não và bị điếc vĩnh viễn do thói quen của nhiều bố mẹ

Thứ năm, 16/02/2017, 06:42 (GMT+7)

Nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu, viêm tai giữa sẽ biến chứng thành những bệnh nguy hiểm như viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm, viêm màng não thậm chí là hoại tử xương.

Tự ý nhỏ thuốc và rửa mũi cho con

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh thường có nguy cơ mắc các bệnh về mũi họng. Lúc này, mẹ có thể rửa mũi cho bé để loại bỏ những dị vật, chất nhờn trong mũi, giúp bé dễ thở hơn. Đồng thời, phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp cũng như trị khỏi bệnh viêm mũi cho trẻ.

Mẹ không nên tự ý rửa mũi cho bé

Chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết thời gian gần đây thấy con kêu đau trong tai, đưa đi khám thì phát hiện con bị viêm tai giữa. Được biết, chị Phương trước đó rất hay rửa mũi cho con mỗi khi con có các biểu hiện viêm mũi, cảm cúm. Chị cứ nghĩ làm như thế giúp con bớt khó chịu, nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, đến lúc đi khám thì mới ngã ngửa khi bác sĩ phát hiện con chị bị viêm tai giữa, trong tai có mủ. Nguyên nhân được xác định là do sổ mũi lâu dần dẫn đến viêm tai giữa.

Con chị Phương ngay sau đó được các bác sĩ chỉ định nhập viện để phẫu thuật nhằm khôi phục thính lực, vá m àng nhĩ, chỉnh hình hệ thống xương con trong tai vì nó có nguy cơ hoại tử. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết nếu thành công thì khả năng nghe của con cũng chỉ đạt khoảng 30 – 60%.

Nguy cơ viêm màng não, hoạt tử xương

Theo ghi nhận thực tế, hiện nay có rất nhiều mẹ chủ quan với bệnh của con. Việc tự ý mua thuốc về nhỏ mũi khi con bị sổ mũi, nhức đầu hay cảm cúm là thói quen của đa số các mẹ. Có nhiều bé bị viêm xoang mà cứ nghĩ nhỏ mũi giúp con đỡ, nhỏ nhiều quá khiến con bị mờ mắt luôn.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) rất khó phát hiện viêm tai giữa ở trẻ trong giai đoạn đầu vì nó có biểu hiện giống các bệnh hô hấp thông thường như sổ mũi, cảm cúm, nóng sốt, hay quấy khóc…

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) 

Các bậc cha mẹ thường không nghĩ đến viêm tai và chỉ bác sĩ chuyên khoa giỏi mới phát hiện được. Nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu, viêm tai giữa sẽ biến chứng thành những bệnh nguy hiểm như viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm, viêm màng não và Cholesteatone (tức xương tai bị hoại tử).

Theo bác sĩ Dũng, khi con bị sổ mũi tốt nhất nên đưa con đi khám để xem xét cho chắc ăn con bạn đang bị bệnh gì mà có hướng điều trị tích cực nhất.

Trẻ trong độ tuổi dưới 2 tuổi rất dễ mắc bệnh viêm tai giữa, nguyên nhân cụ thể là do:

  • Trẻ nhỏ từ 6-18 tháng tuổi sức đề kháng yếu, dễ bị mắc viêm tai giữa.
  • Khi trẻ nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm.
  • Do cảm lạnh.
  • Không khí bị ô nhiễm, có khói thuốc lá.
  • Chọc ngoáy vào tai.
  • Do chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm.
  • Bị tát bất ngờ vào tai

Rửa mũi cho bé: Rửa sao cho đúng?

  • Đầu tiên, mẹ đặt bé nằm nghiêng đầu sang 1 bên sao cho phần đầu thấp hơn phần chân. Nhẹ nhàng bóp 1-2 giọt nước muối cho mỗi bên mũi. Dùng khăn mềm thấm nước muối và phần dịch mũi chảy ra. Trong những trường hợp dịch mũi đặc sệt, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi cho bé.
  • Theo các bác sĩ khoa nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc sử dụng thuốc nhỏ mũi làm co mạch để thông mũi hầu như không cần thiết. Vì vậy, nếu có ý định vệ sinh mũi cho bé, mẹ chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý thông thường. Trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi nặng, mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn loại thuốc nhỏ mũi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Không nên tự ý mua thuốc cho bé.
  • Khi rửa mũi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, mẹ không nên dùng xi-lanh, kể cả loại nhỏ. Nên sử dụng bình rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn được bán rộng rãi ở các nhà thuốc bệnh viện uy tín.
  • Ngoài ra, theo khuyến cáo, mẹ không nên quá lạm dụng việc rửa mũi cho bé, chỉ nên áp dụng cho những trường hợp trẻ bị sụt sịt hoặc bị nghẹt mũi. Những trường hợp thông thường, mũi của bé sẽ có cơ chế tự làm sạch riêng. Rửa mũi thường xuyên sẽ làm mất đi lớp nhầy tự nhiên tạo độ ẩm và ngăn ngừa bụi bẩn trong khoang mũi, càng làm tăng nguy cơ gây khô mũi, viêm mũi. Thậm chí, nhiều trường hợp rửa mũi cho bé quá thường xuyên có thể gây teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng chức năng khứu giác của trẻ.
An Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus