Thứ bảy, 20/04/2024 | 13:39
RSS

Có nhiều ổ dịch phức tạp, Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động

Thứ bảy, 06/11/2021, 11:39 (GMT+7)

Theo báo cáo công tác triển khai thực hiện mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 của Sở Y tế cho thấy, dự kiến thành phố sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Sự kiện:
Hà Nội

Có nhiều ổ dịch phức tạp, Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động

Trạm y tế lưu động tại phường Kim Giang, Thanh Xuân được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch covid-19 (Ảnh: CTT Sở Y tế HN)

Theo nguồn Cổng thông tin của Sở Y tế Hà Nội ngày 5/11, Sở Y tế tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ triển khai mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo công tác triển khai thực hiện mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 của Sở Y tế cho thấy, dự kiến thành phố sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch/phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhận lực, trang thiết bị, thuốc… để sẵn sàng thiết lập thêm các trạm y tế lưu động để đưa vào sử dụng khi có tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng.

Theo đó, Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu đối với trạm y tế lưu động cần có niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn; cần xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ;  đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất bao gồm đảm bảo nơi trực, nơi tiếp đón, khám và tư vấn, nơi theo dõi, khu vệ sinh, điện nước…

Về nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động cần bố trí 05 nhân viên y tế trong đó có 01 cán bộ y tế nắm rõ địa bàn, còn các cán bộ y tế khác huy động thêm từ các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.

Về trang thiết bị và thuốc cần phải đảm bảo đáp ứng trang thiết bị thiết yếu cho phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh thông thường và các danh mục thuốc theo quy định. Đặc biệt, các trạm y tế lưu động cần phải trang bị đầy đủ bình ôxy sẵn sàng khi có bệnh nhân.

Trong ngày 5/11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày thành phố ghi nhận 133 ca Covid-19 mới, trong đó có 61 ca cộng đồng, 33 ca trong khu cách ly, 39 ca trong khu phong tỏa. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới cao nhất tại Hà Nội trong hơn một tháng qua.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, số ca nhiễm trên địa bàn Hà Nội gia tăng, đặc biệt số ca ngoài cộng đồng. Từ ngày 11-10 đến hôm nay Thủ đô ghi nhận 738 ca mắc, trung bình mỗi ngày có 31 ca; trong đó có 228 ca ngoài cộng đồng (chiếm khoảng 30%).

Từ ngày 28-10 đến 4-11, số ca mắc tăng cao từ 33 đến 104 ca/ngày và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp.

Từ ngày 24-10 đến nay, Hà Nội ghi nhận tới 10 chùm ca bệnh (ổ dịch) phức tạp. Trong đó có những ổ dịch vượt 100 ca như ổ dịch tại huyện Quốc Oai với 141 ca (từ ngày 24-10); tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 122 ca (từ ngày 27-10);

Ngoài ra một số ổ dịch tiếp tục ghi nhận sự gia tăng ca mắc như chùm ca bệnh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; chùm ca bệnh tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; chùm ca bệnh tại đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm...

 

H.N (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại