Tiêm thuốc giảm đau không thể bị liệt
Trao đổi với PV báo Lao Động, BS Vũ Hùng Vương cho biết, bệnh nhân đến viện hôm thứ 6, chuyển về BV Bạch Mai hôm chủ nhât. Bệnh nhân Thảo bị giảm vận động hai chân, tê bì hai chân trước khi đến viện hơn một tuần, đã từng điều trị ở Trạm y tế xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Theo BS Vương: “Do bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng và hai chi dưới nên có tiêm một mũi giảm đau. Liệt có thể do nguyên nhân khác nữa, chứ bảo do tiêm mà bị liệt thì tôi khẳng định chắc chắn không phải. Trường hợp không kiểm soát được, tiêm vào dây thần kinh hông to thì chỉ liệt một chi thôi. Mà liệt thực thể, chứ không phải như thế này, trường hợp này cấu véo vẫn thấy đau. Trước đó bệnh nhân bị tê bì hai chân và đau vai gáy.”
“Trước khi tiêm, điều dưỡng bắt co chân lên vẫn được thì nghĩa là không thể tiêm vào dây thần kinh được”- BS Vương khẳng định.
BS Vương cung cấp thêm, loại thuốc mà điều dưỡng viên tiêm cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ điều trị là thuốc giảm đau. “Ngày 23.6, người bệnh được xử trí tiêm thuốc Nefopam 20mg x 1 ống tiêm bắp sâu (hoạt chất Nefopam hydroclorid được chỉ định trong giảm đau cấp tính và mãn tính: Đau do nguồn gốc thần kinh, đau đầu, đau cơ và các chứng co thắt...) và các thuốc hỗ trợ, sinh tố, giảm tiết”- báo cáo của BVĐK tỉnh Hà Giang nêu rõ.
BS Vương cũng khẳng định, đã xem tác dụng phụ của thuốc này và chắc chắn kỹ thuật tiêm như thế thì không thể gây liệt được. Bệnh nhân buồn nôn có thể do tác dụng phụ của thuốc, thuốc gây choáng váng, gây buồn nôn chứ không gây liệt
BV khăng khăng bệnh nhân bị giảm vận động trước khi tiêm
Về quy trình tiếp đón, khám chữa bệnh cho bệnh nhân Hồ Thị Thảo, BS Vương cho biết, đã kiểm tra lại quy trình và không thấy vấn đề gì. BS Vương cũng cho rằng, có thể một phần do tâm lý của bệnh nhân làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Các BS BV Bạch Mai sẽ hội chẩn cả vấn đề tâm lý cho bệnh nhân.
Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao bệnh nhân sau khi tiêm mới bị liệt mà không bị liệt trước đấy thì BS Vương cho rằng: “Trước đó bệnh nhân đã bị giảm vận động. Tôi nghĩ là bệnh nhân bị liệt là diễn biến của bệnh, do quá trình phát triển của bệnh. Nếu không tiêm thì ngày hôm ấy có thể bệnh nhân cũng sẽ bị giảm vận động. Việc bệnh nhân bị liệt và tiêm chỉ là diễn ra cùng một thời điểm. Kể cả hôm đó không làm gì thì trong quá trình diễn biến của bệnh nó cũng có thể gây giảm vận động như thế”.
Theo BS Vương, Bệnh viện đã yêu cầu khoa Y học cổ truyền có báo cáo giải trình, mang hồ sơ bệnh án của bệnh nhân để kiểm tra, báo cáo quá trình điều trị tại bệnh viện. “Chúng tôi muốn cung cấp thông tin 2 chiều. Làm gì có bác sĩ nào muốn bệnh nhân bị như thế. Mà bệnh nhân có bệnh mới vào viện, khỏe thì chả ai đến viện cả. Mà phải gặp bệnh lý gì đó, giảm vận động mới vào khoa Y học cổ truyền”- BS Vương quả quyết.
Trong khi khăng khăng rằng bệnh nhân đã bị giảm vận động trước khi tiêm thì chính BSCKII Vũ Hùng Vương – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang đã nói "hở" ra rằng: “Trước khi tiêm, điều dưỡng bắt bệnh nhân co chân lên vẫn được..." Vậy rõ ràng, trước khi tiêm bệnh nhân không hề bị liệt vẫn co duỗi chân bình thường. Điều này cũng được chính bệnh nhân Thảo và người nhà của chị khẳng định, tình trạng của chị trước khi đến BVĐK tỉnh Hà Giang vẫn khỏe mạnh, vận động, đi lại bình thường, thậm chí ngày hôm đó (23.6) vẫn có thể lái xe máy đi hàng chục cây số đưa mẹ đi khám. Chị Thảo chỉ tranh thủ khám khi thấy ngón tay cái bị tê và thấy đau vai gáy.
Trong vụ việc này, BV Hà Giang có vẻ đang tìm cách "chối tội". Đến lúc này nguyên nhân gây liệt của bệnh nhân chưa được tìm ra song "đổ" lỗi tại người bệnh của BV Hà Giang là không thuyết phục.