Thứ hai, 25/11/2024 | 07:08
RSS

Cô gái hoại tử ngực do tiêm silicon và lời cảnh báo đáng sợ của bác sỹ

Thứ bảy, 02/05/2020, 09:56 (GMT+7)

Mới đây, một bệnh nhân tại TP HCM phải nhập viện cấp cứu với lỗ thủng sâu ở ngực. Kết quả khám chữa cho thấy, bệnh nhân bị hoại tử ngực do tiêm silicon lỏng.

Người phụ nữ thủng ngực vì làm đẹp bằng silicon
ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm Mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E.. Ảnh Dân Trí.

Một bệnh nhân nữ 40 tuổi phải nhập viện với phần ngực bên phải bị thủng lỗ sâu, vùng da ngực bị rách gần 6 cm2, chảy máu và dịch vàng. Cách đây 20 năm, chị hai lần nâng ngực bằng cách tiêm silicon lỏng tại Trung Quốc

Theo lời kể, sau lần nâng ngực đầu tiên, bệnh nhân thấy vẫn chưa hài lòng nên đã quyết định tiêm lần 2 (cách đó 5 năm) cũng tại Trung Quốc.

Đầu năm 2020, bỗng nhiên ngực phải ngày càng căng cứng và xuất hiện nhiều đốm màu tím và ngày càng sậm màu. Điển hình nhất là suốt 1 tháng gần đây, ngực xuất hiện một lỗ thủng sâu, to và miệng vết thương liên tục chảy dịch vàng đục, cộng với việc quá đau nhức nên người phụ nữ quyết định đi khám.

Bác sĩ chẩn đoán chị hoại tử ngực do tiêm silicon lỏng. Bệnh nhân được bác sĩ nạo vét các khối silicon đóng vón cục, cắt lọc mô hoại tử, tạo hình khép lỗ thủng trên ngực phải. 

Dẫn lời báo Tiền Phong thông tin, theo BS Tú Dung, nguyên nhân chính là vì silicon đã ngấm vào các mô mỡ và mạch máu, gây ra hoại tử và biến chứng nặng nề khiến vùng ngực bị đâm thủng và vùng da bị hoại tử, khó xác định ranh giới mô tuyến, mô cơ với silicon. Đây cũng chính là điểm khó khăn nhất trong quá trình thực hiện giải phẫu tách triệt để các khối silicon ra khỏi ngực của bệnh nhân.

Đồng quan điểm với BS Dung, dẫn lời báo Dân Trí thông tin, ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, hiện nay silicon đã bị cấm, đặc biệt là silicon lỏng đã bị cấm sử dụng với mục đích làm đẹp ở rất nhiều nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam các bác sĩ gặp khá nhiều trường hợp bị biến chứng vì làm đẹp bằng cách tiêm silicon. Việc điều trị những trường hợp này khá khó khăn.

BS Minh nhận định, việc tự bơm silicon lỏng vào bất kỳ bộ phận nào của cơ thể để làm đẹp là rất nguy hiểm. Biến chứng các bác sĩ hay gặp nhất là áp xe, chảy dịch ngay sau tiêm do cơ sở không đủ điều kiện vô trùng. Các ổ áp xe thường có nhiều vách do các mũi tiêm tạo thành các ổ áp xe khác nhau.

Ngoài ra, việc tiêm chất làm đầy vào ngực và mông với số lượng lớn thì hầu hết là tiêm silicon công nghiệp dạng lỏng. Mới đầu, chị em có thể thấy hài lòng với kết quả đạt được. Tuy nhiên sau 3-6 tháng vùng tiêm bắt đầu có biểu hiện sưng đỏ, tấy và có dịch mủ chảy ra do phản ứng của cơ thể với silicon công nghiệp.

Các bác sỹ chia sẻ, có nhiều bệnh nhân đau nhức không chịu nổi, đặc biệt là khi tiêm diện rộng vùng mặt. Phức tạp hơn là các chất này không đứng yên một chỗ mà chia nhỏ thành các hạt di chuyển ra các vùng lân cận làm cho việc phẫu thuật lấy bỏ vô cùng khó khăn.

Đồng thời, các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng silicon lỏng trong giải phẫu thẩm mỹ đã bị cấm vì chúng gây ra nhiều tác dụng phụ và những biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy, chị em phụ nữ khi quyết định làm đẹp cần hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN