Tử vong do thói quen tắm buổi sáng
Ông Nguyễn Văn Thực, 51 tuổi, trú tại Quảng Ninh thường có thói quen tắm buổi sáng trước khi ông đi làm. Như mọi khi, ông Thực ngủ dậy vệ sinh cá nhân và đi tắm. Vợ ông đi dạy học và các con đi học.
Trong lúc tắm, ông Thực bị cơn đột quỵ. Mãi đến trưa vợ ông mới về nhà thì mới phát hiện chồng nằm trong nhà tắm. Gia đình gọi xe cứu thương tới nơi thì ông Thực đã được nhân viên y tế xác định tử vong ngoại viện.
Người nhà cho biết, ông Thực có tiền sử cao huyết áp nhưng giới hạn không quá nguy hiểm. Ông có thói quen trước khi đi làm tắm cho thoải mái suốt nhiều năm nay. Ngày ông Thực bị đột quỵ thời tiết khá lạnh, ông bị cơn nhồi máu não "ghé thăm" lúc tắm và không có người sơ cứu dẫn đến tử vong.
Hay như trường hợp ông Vũ Quốc M. 53 tuổi, trú tại Văn Điển, Hà Nội được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu do bị đột quỵ nhồi máu não. Ông M có thói quen tắm vào buổi sáng.
Sau khi có dấu hiệu bị tê 1 bên tay và bên chân, đi lại khó khăn, không nuốt được đồ ăn và rơi vào hôn mê sâu, ông được người thân đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định ông bị đột quỵ nhồi máu não.
Chuyên gia tm mạch cảnh báo thời điểm không nên tắm
PGS TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM – Phó Chủ tịch thường trực Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM cho biết, trong thời gian hành nghề ông từng gặp rất nhiều trường hợp đột quỵ do tắm quá khuya, tắm lúc sáng sớm.
PGS TS Nguyễn Hoài Nam
Theo PGS Nam, buổi sáng hoặc lúc đêm là thời điểm thân nhiệt của chúng ta chưa ổn định, tắm nước lạnh có thể làm co giãn mạch quá mức gây nên cơn đột quỵ. Đặc biệt, thời tiết mùa đông ở miền Bắc là thời điểm khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Đây cũng được xem là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta.
Theo PGS Nam, đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao như người già hay người bị xơ vữa động mạch, chỉ cần một luồng gió lạnh đột ngột vào sáng sớm cũng có thể gây tai biến mạch máu nãochứ chưa nói là tắm gội.
Về cách phòng đột quỵ, theo PGS Nam, mỗi người nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh (ăn nhiều trái cây, rau, cá, ngũ cốc, phẩm sữa ít chất béo, tránh những thức ăn quá mặn, quá ngọt, nhiều chất béo; Vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe…); Tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; Luôn giữ tinh thần vui tươi, thoải mái, đồng thời hạn chế rượu bia và loại bỏ thuốc lá.
Với những người cao tuổi, cao huyết áp vào mùa đông nên ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm. Buổi sáng thức dậy mọi người cũng không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có vài động tác thể dục để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài tuyệt đối không tắm.
Nguyên tắc sơ cứu người bị đột quỵ
PGS Nam cho biết, dấu hiệu phổ biến của cơn đột quỵ là mắt nhìn mờ, nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt; Cảm giác nặng tay chân, hoặc yếu đột ngột ở nửa người, nửa mặt; Nói khó; Đau đầu dữ dội hoặc chóng mặt, mất thăng bằng…
Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, người thân nên khẩn trương gọi xe cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Trong lúc chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân cần sơ cứu đột quỵ não như sau:
• Đầu tiên là tránh cho bệnh nhân bị té ngã, vì té ngã có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
• Nên để nạn nhân nằm nghiêng qua một bên, cho ói hết thức ăn, móc hết đàm nhớt trong họng để người bệnh dễ thở.
• Lưu ý, người nhà không tự ý cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ huyết áp nếu không có chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là không nên cạo gió, cắt lể…
Do cuộc sống ngày càng hiện đại, con người trở nên căng thẳng, vội vã hơn, ít hoạt động thể chất, chế độ ăn nhiều mỡ, muối, ít rau xanh, đặc biệt ăn nhiều các thức ăn nhanh như gà rán, hamburger, khoai tây chiên... từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp..., PGS Nam cho biết. |