Chủ nhật, 19/01/2025 | 08:05
RSS

Chuyên gia nói gì về thông tin dùng dầu gió vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn?

Thứ sáu, 10/01/2020, 16:05 (GMT+7)

Mạng xã hội đang truyền tai cách dùng dầu gió khi uống rượu bia để vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn, chuyên gia về công nghệ thực phẩm đã phản bác và cho rằng cách làm này là dẫn đường cho tội ác.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: 'Nghĩ ra cách dùng dầu gió vô hiệu hóa nồng độ cồn là tội ác'

Sau khi Nghị định 100 quy định xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có hiệu lực, trên MXH đã xuất hiện những chiêu trò đối phó để vô hiệu hoá máy đo nồng độ cồn. Một trong những chiêu trò vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn đang gây sốt trên mạng xã hội được rất nhiều người quan tâm và chia sẻ đó là dùng dầu gió. 

Theo các thông tin được truyền tai nhau trên mạng xã hội, khi uống 1-2 chai bia hay rượu nếu có việc phải ra đường thì nhỏ một vài giọt dầu gió vào khẩu trang hoặc có thể uống một chút dầu gió. Với cách làm đơn giản này có thể vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông. Nhiều chị em còn nhắc nhau nhớ để vào cốp xe của chồng lọ dầu gió để tránh bị phạt khi dùng rượu bia và lái xe. Chiêu trò trên được nhiều người cho rằng sẽ có tác dụng thực sự và nên áp dụng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia y tế, đây đều là những cách làm phi khoa học và có thể gây hại cho người áp dụng giải pháp này.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định, khi uống rượu bia, nồng độ cồn thì nồng độ cồn đã tồn tại trong máu dù bất cứ mẹo gì cũng khó có thể vô hiệu hóa máy đo nồng độ cồn.

Dầu gió chỉ tạo mùi bên ngoài chứ không có tác dụng giảm hay làm mất nồng độ cồn trong máu. Bởi máy đo nồng độ cồn trong hơi thở sử dụng công nghệ cảm biến thông qua hơi thở.

Người nào nghĩ ra ý tưởng che giấu việc uống rượu bia, chống lại máy đo nồng độ cồn là không thể chấp nhận được. Bản thân họ không tự thấy rằng uống rượu bia là nguyên nhân gây ra tai nạn cho chính mình và cho người khác. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến sức khỏe của người uống rượu bia mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Bản thân động cơ này là rất xấu phải bị lên án. Sau nghị định 100, nhiều người đi tìm cách ăn cái gì, uống cái gì để không còn nồng độ cồn trong khi cơ thể. Mục đích để họ vô tư uống rượu bia mà không lo bị phạt.

"Những năm gần đây, tai nạn vì tài xế say xỉn ngày càng gia tăng về số lượng và số người thiệt mạng. Việc tìm cách ăn uống để che đi nồng độ cồn là tội ác. Tội đã uống rượu bia còn tìm cách che giấu tội của mình nữa thì đó là sự cố tình tham gia tội ác và chống lại nghị định của chính phủ", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói thêm.

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh không ủng hộ hành vi trên và đề nghị phạt nặng những người uống rượu bia còn cố tình nghĩ ra cách che giấu nồng độ cồn. Khi đã uống rượu bia thì phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn như không tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Không nên chống lại quy định, tốt nhất là tự nguyện không uống rượu bia hoặc khi đã trót uống rượu bia thì không lái xe.

Ngoài ra, dầu gió có tính chất lành không có tác động gì đến sức khỏe nhưng chủ yếu dầu được sử dụng để bôi ngoài ra, cho nó kích thích giảm bớt cơn cảm cúm hoặc chỗ đau... việc dùng bừa bãi, lạm dụng dầu gió vào những mục đích không chính đáng sẽ không tốt cho sức khỏe.

Các chuyên gia cảnh báo thêm, trong những ngày Tết việc uống rượu bia là khó có thể tránh khỏi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe chỉ nên uống một lượng nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới kiến nghị nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ lần và chỉ nên uống 5 lần/tuần (một đơn vị rượu được tính bằng 10g cồn nguyên chất). Và ghi nhớ khi đã uống rượu, bia thì không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thiên Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN