Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:12
RSS

Chuyên gia lý giải vì sao người nhiễm Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm

Thứ hai, 16/03/2020, 20:58 (GMT+7)

Hiện nay, số người nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã vượt 800 trường hợp. Đồng thời, đại dịch cũng bùng phát nguy hiểm tại Hàn Quốc, việc xuất hiện trường hợp tái nhiễm virus của cả hai nước sau khi khỏi bệnh khiến các chuyên gia y tế lo ngại vô cùng.

Mới đây, thêm một người đàn ông tại miền Tây Nhật Bản vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp covid-19 mặc dù trước đó, người này đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện vào ngày 2/3.

Chuyên gia lý giải vì sao người nhiễm Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm
Chuyên gia lý giải vì sao người nhiễm Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Ảnh: Báo Khoa Học Đời Sống.

Giới chức tỉnh Mie cho biết, người đàn ông này, ở độ tuổi 70, là một trong những hành khách trên du thuyền Diamond Princess. Những người có kết quả dương tính với virus được đưa ra khỏi tàu và chuyển đến các tổ chức y tế.

Người đàn ông 70 tuổi này được điều trị tại Tokyo, kết quả điều trị đã xác nhận âm tính và chữa khỏi virus. Ông đã trở về nhà tại tỉnh Mie bằng phương tiện giao thông công cộng

Tuy nhiên, người đàn ông này thật sự cảm thấy khó chịu và sốt 39 độ C sau vài ngày trở về. Ông tới tái khám và nhận thông tin từ cơ sở y tế xác nhận là đã nhiễm lại virus nguy hiểm này. Hiện người này đã nhập viện cách ly.

Không chỉ Nhật Bản, theo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết một phụ nữ nước này có kết quả dương tính với Covid-19 lần thứ hai sau khi rời khỏi nơi cách ly.

Nạn nhân là một phụ nữ 73 tuổi có triệu chứng nhiễm virus corona hồi đầu tháng này. Bà xuất viện hôm 22/2 sau khi bình phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, bà bắt đầu cho thấy triệu chứng trở lại vào ngày 27/2 và được phát hiện dương tính lần thứ hai với virus corona một ngày sau đó. Đây là lần đầu tiên ở Hàn Quốc có một người tái nhiễm virus corona sau khi khỏi bệnh.

Lý giải về liên tục có các trường hợp tái nhiễm, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Đại học Osaka cho biết, thông thường, những người đã từng nhiễm virus sẽ có kháng thể và nhờ vậy, họ có thể không bị tái nhiễm với loại virus đó.

Tuy nhiên, nếu không có đủ kháng thể cần thiết, họ sẽ có nguy cơ tái nhiễm hoặc những virus chưa được phát hiện trong cơ thể có thể tiếp tục nhân bản.

Đặc biệt, khi độ tuổi càng cao hoặc có tiền sử bệnh nền, nguy cơ tái nhiễm sẽ ngày một gia tăng. 

Thêm một lời giải thích nữa từ giáo sư Jin Dong-yan, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông nhận định, không phải là những người này bị nhiễm bệnh lần thứ hai hoặc nhiễm bệnh dai dẳng, ông cho rằng có thể do các xét nghiệm đối với bệnh Covid-19 không được thực hiện đúng cách ngay từ đầu. Các yếu tố khác nhau có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, bao gồm chất lượng của bộ dụng cụ xét nghiệm và cách thu thập cũng như lưu trữ mẫu xét nghiệm.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN