Thứ hai, 25/11/2024 | 16:02
RSS

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói về vắc xin 5 trong 1 mới ComBE Five: Vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng phụ nhất định

Thứ sáu, 28/12/2018, 18:46 (GMT+7)

Cuối tháng 12/2018, Bộ Y tế bắt đầu cho triển khai vắc xin mới vắc xin 5 trong 1 ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn còn nhiều băn khoăn về loại vắc xin này.

Vắc xin 5 trong 1 ComBeFive: vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng phụ
 Vắc xin 5 trong 1 ComBE Five được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Thông tin từ Dự án Tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ tháng 12/2018, vắc xin 5 trong 1 mới ComBE Five sẽ chính thức thay thế cho vắc xin Quinvaxem triển khai trên toàn quốc.

Đây là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010. 

Hiện có tới hơn 1,7 triệu trẻ tại Việt Nam nằm trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin này vì thế việc chuyển đổi sang vắc xin mới rất được các bậc cha mẹ quan tâm.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về việc trẻ gặp phản ứng tím tái, khóc thét thậm chí tử vong khi tiêm vắc xin 5 trong 1 mới khiến nhiều người nhất là các phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng rất hoang mang.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, có một số trẻ có phản ứng sau tiêm tại Nam Định và phải nhập viện, địa phương này đã họp và thông tin về Cục Y tế dự phòng.

Chương trình tiêm chủng mở rộng đang tổng hợp báo cáo về các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng đối với vắc xin ComBE Five. Đến nay có một trường hợp ở Nam Định trẻ bị tử vong nhưng chưa rõ nguyên nhân đang chờ hội đồng giám định xem xét kết luận.

Về lý do chuyển đổi sang loại vắc xin mới, ông Trần Đắc Phu cho biết từ tháng 8/2018, nhà sản xuất đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Do vậy, Bộ y tế đưa vắc xin 5 trong 1 ComBE Five có thành phần, hiệu quả, tính an toàn tương tự như vắc xin Quinvaxem vào chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Trước khi đưa vào Việt Nam, vắc xin ComBE Five đã được sử dụng với hơn 400 triệu liều tại 43 quốc gia trên thế giới và đã được tổ chức y tế thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định. Theo thông báo WHO, tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng của vắc xin mới nằm trong giới hạn quy định của WHO. Tất cả các lô vắc xin đều được kiểm định và đạt tiêu chuẩn an toàn và hiệu lực miễn dịch trước khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. 

Trước khi triển khai trên toàn quốc thì vắc xin ComBe Five đã được triển khai tại 7 tỉnh/thành phố gồm Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu trong tháng 10-11/2018 trên 17.000 trẻ. Vắc xin này đã được triển khai an toàn, tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng là 5,5%, chủ yếu là phản ứng thông thường như sốt dưới 39 độ C, sưng nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu quấy khóc. 

Vắc xin 5 trong 1 ComBeFive: vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng phụ 2
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng chia sẻ về phản ứng sau tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five đang gây xôn xao mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, bất kỳ vắc xin hay thuốc đều có tỷ lệ phản ứng phụ nhất định. Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào các cá nhân được tiêm chủng.

Khi đưa chất lạ vào cơ thể, dù là thuốc, thậm chí cả thức ăn vẫn có thể có phản ứng phụ. Có người dị ứng trứng, có người dị ứng hải sản, có người dị ứng sữa... Việc dị ứng này chủ yếu phụ thuộc vào cơ địa từng người. Cùng một loại thuốc, một loại vắc xin, có trẻ phản ứng, có trẻ không.

Vắc xin ComBE Five hay Quinvaxem đều  là vắc xin ho gà toàn tế bào nên phản ứng sau tiêm chủng cũng tương tự như vắc xin toàn tế bào khác. Sau khi tiêm chủng ComBe Five trẻ có thể gặp phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc…đây là những biểu hiện thường gặp nhất.

Phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ cần nới lỏng quần áo và dùng thuốc hạ sốt. Thường chỉ trong 1 ngày trẻ trở lại bình thường, cha mẹ không cần phải quá lo lắng.

Trong trường hợp phản ứng kéo dài trên 1 ngày hoặc diễn biến nặng lên, xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng như tím tái, khóc thét, li bì,... thì cha mẹ cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và xử trí kịp thời. 

PGS Dũng cũng khuyến cáo, trước khi tiêm, người thân cần lưu ý xem tình trạng sức khỏe của trẻ ra sao, trẻ có sốt, có đang mắc bệnh hay dùng thuốc gì hay không. Nếu con em đang gặp vấn đề gì về sức khỏe hoặc bị dị ứng với bất cứ thứ gì cần thông báo ngay với người tiêm chủng để họ khám và quyết định có nên tiêm hay không.


Xem thêm clip: Giải đáp nóng 8 câu hỏi về vắc xin ComBe Five vắc xin 5 trong 1 thay thế Quinvaxem

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN