Thứ năm, 18/04/2024 | 21:18
RSS

Chuyên gia dinh dưỡng nói gì về việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhịn ăn 49 ngày?

Thứ hai, 02/04/2018, 14:27 (GMT+7)

Câu chuyện về "ông vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ và khoá tu, nhịn ăn để thanh lọc cơ thể 49 ngày của ông được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều. Dưới đây là góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Một người từng tham gia khóa tu tập, thiền và nhịn ăn để thanh lọc cơ thể với ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết những người tham gia nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, tinh thần minh mẫn, chỉ uống nước mè đen rang và ngồi thiền tịnh tâm vào 2 buổi sáng, tối.

Tuy nhiên những người tham gia không hề thấy đói, họ vẫn sinh hoạt bình thường, cảm thấy khỏe khoắn và minh mẫn hơn.

Trên thực tế đã có không ít người cả ở Việt Nam và trên thế giới áp dụng phương pháp nhịn ăn hoặc chỉ ăn một loại hạt (ngũ cốc) nhất định để thanh lọc cơ thể. Trao đổi với PV Đời sống Plus, chuyên gia dinh dưỡng thực hành TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam có những chia sẻ về vấn đề này.

Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể coi chừng nguy cơ nhiễm độc ngược

chuyên gia dinh dưỡng nói về khoá tu thiền và nhịn ăn để thanh lọc cơ thể trong 49 ngày của Đặng Lê Nguyên Vũ
Nước mè đen rang. Hình minh hoạ

TS Từ Ngữ cho biết : "Nhịn ăn để giảm cân không sai nhưng nhịn trong bao lâu mới là vấn đề, anh có thể nhịn 1 bữa, 2 bữa vì những lý do nào đó nhưng nếu một người nhịn ăn cả 1 tuần thì lại là vấn đề rất lớn.

Theo chia sẻ ở trên những người này cũng không phải nhịn ăn hoàn toàn, họ uống nước mè đen rang. Khi uống loại nước này cơ thể đã được cung cấp nước và chất đạm. Tuy nhiên uống tới mấy chục ngày như vậy thì tiêu hao năng lượng để chuyển hoá cơ bản của một người bình thường một ngày cần 1600kcal.

Anh không ăn gì, bổ sung gì ngoài nước mè đen rang, vậy 1600 kcal đó lấy ở đâu ra, lấy từ thịt, cơ, bắp, mỡ để tiêu hao. Khi cơ thể không còn năng lượng nữa có thể dẫn tới tử vong".

(Chuyển hóa cơ bản là lượng năng lượng tối thiểu (tính theo calories) cần thiết để duy trì chức năng sống còn của cơ thể lúc nghỉ bao gồm những hoạt động của tim, phổi, não, thận, gan, ruột, cơ, da).

Nếu trong trường hợp người này vẫn sống khoẻ như họ cho biết thì chủ yếu từ yếu tố tinh thần bởi khi con người phải nhịn ăn lâu như vậy những chức năng của cơ thể sẽ thay đổi và không hồi phục được, thận, gan, tuỵ... hoạt động không tốt, thậm chí có thể gây ra nhiễm độc ngược.

Còn về vấn đề vì sao nhưng người nhịn ăn lâu như vậy không có cảm giác đói? TS Từ Ngữ giải thích, trước hết cần phải hiểu về cơ chế no đói của cơ thể gồm 2 yếu tố, khi dạ dày rỗng thì thấy đói hoặc khi đường huyết hạ thì cảm thấy đói, với những người này dạ dày rỗng nhưng đường huyết huy động ở cơ thể cao nên không có cảm giác đói. Hơn nữa cơ chế no đói ở mỗi người cũng rất khác nhau.

Việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể hay giảm béo cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bộ não. Về nguyên lý để bộ não hoạt động tốt, não cần có năng lượng, nhịn ăn là thiếu năng lượng, thiếu đường trong máu.

Não bộ sẽ kém linh hoạt do lượng đường huyết giảm. Người đói sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu,tim đập nhanh, vã mồ hôi. Vì thế thật khó để nhịn đói chỉ uống nước mè trong suốt 49 ngày mà vẫn tỉnh táo, đầu óc minh mẫn và hoạt động bình thường.

Nhịn ăn như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khoẻ?

ts từ ngữ nói về chế độ ăn để thanh lọc cơ thể trong 49 ngày của Đặng Lê Nguyên Vũ
TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Bản thân TS Từ Ngữ cũng đã từng tham gia một khoá thiền và nhịn ăn trong 1 tuần tại Ấn Độ. Hiện nay thi thoảng ông cũng nhịn ăn khoảng 1 bữa/1 tuần khi mệt mỏi, khi bị tiêu chảy hoặc muốn dạ dày được nghỉ ngơi.

Tuy nhiên ông cho rằng trong cuộc sống hiện đại, con người có nhiều mối bận tâm, nhiều công việc, hoạt động phải vận dụng cả trí óc lần chân tay nên việc nhịn ăn dài ngày là không tốt và ảnh hưởng tới sức khoẻ.

TS Từ Ngữ cho rằng cần phải hết sức thận trọng với việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, chữa bệnh vì chưa có những nghiên cứu khoa học chính thức về vấn đề này. Muốn nhịn ăn để thanh lọc cơ thể hay giảm cân phải tùy vào thể trạng của từng người cụ thể để điều chỉnh cách ăn uống và dung nạp dinh dưỡng một cách hợp lý. Mọi người không nên áp dụng đại trà việc nhịn ăn đặc biệt với các đối tượng mắc các bệnh như tiểu đường và tim mạch.

Đối với việc giảm cân thì nhịn ăn không phải là giải pháp tối ưu và lâu bền. Có thể thời gian đầu cân nặng sẽ giảm nhưng sau đó khi ăn trở lại thì cân nặng sẽ tăng lại và có khi còn tăng cân nhiều hơn trước.

Bởi khi nhịn ăn, cơ thể cần tiết kiệm năng lượng và dưỡng chất nên sẽ tự hạ thấp chuyển hóa cơ bản (năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sự sống), cơ thể giảm nhu cầu năng lượng để đáp ứng với nhu cầu ăn ít.

Do đó, khi ăn trở lại có thể sẽ tăng cân nhiều hơn. Nhịn ăn để giảm cân sẽ khiến cho cơ thể không chỉ giảm khối mỡ mà còn giảm cả khối cơ và có thể cả khối xương, cơ thể còn bị thiếu các vitamin và khoáng chất dẫn đến thiếu máu, loãng xương, sẽ mệt mỏi nhiều hơn. Muốn giảm cân lành mạnh thì phải giảm năng lượng đưa vào nhưng phải đảm bảo đủ chất đạm, các vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ.

Theo TS Từ Ngữ dù cho có áp dụng chế độ ăn nào, nhịn ăn để thanh lọc cơ thể hay giảm cân thì vẫn không thể thiếu yếu tố nước, vẫn phải uống đủ nước như bình thường. Con người có thể nhịn ăn một vài ngày không chết nhưng thiếu nước thì sẽ đối diện với nguy cơ tử vong vì thiếu nước.

Cách thanh lọc tốt nhất vẫn là uống nhiều nước, trên dưới 2 lít nước mỗi ngày, sẽ rất tốt cho quá trình tiêu hóa đồng thời tránh được hiện tượng lắng cặn ở thận gây sỏi thận.


Xem thêm Clip: Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN