Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:53
RSS

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, đề nghị công bố hết dịch

Chủ nhật, 04/06/2023, 07:12 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất điều chỉnh dịch từ nhóm A sang nhóm B, và việc công bố hết dịch sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Sự kiện:
Covid-19


Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh Báo Vietnamnet

Chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo. Theo kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá bệnh Covid-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thẩm quyền quyết định chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.

Về lý do chuyển Covid-19 sang nhóm B. Thứ nhất, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh Covid-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022 (từ đầu năm nay đến ngày 29/5, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc).

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong 5 tháng đầu năm giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%. Tỷ lệ này tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).

Thứ hai, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2. Thứ ba, bệnh Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Năm 2020, Bộ Y tế phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế cho hay từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc. Trung bình hằng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc, giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với năm 2022. Có 20 ca tử vong do Covid-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%, đều là trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, hoặc chưa tiêm vắc xin.

Bộ Y tế đánh giá tỉ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Trên thế giới, ngày 5/5, WHO công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

Về công bố dịch và hết dịch Covid-19, Bộ Y tế cho hay thời điểm Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, bộ đã tham mưu để Thủ tướng công bố dịch theo quyết định 447.

Vì vậy khi dịch Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, không thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng, nên quyết định 447 không còn phù hợp. Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét ban hành quyết định công bố hết hiệu lực của quyết định 447.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc đánh giá tình hình dịch tại địa phương đối với bệnh nhóm B và công bố hết dịch Covid-19 khi có đủ điều kiện. Bao gồm: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Để chuẩn bị việc điều chỉnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 xem xét, cho ý kiến đến việc chuyển nhóm dịch bệnh truyền nhiễm, công bố dịch và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Hoàn thiện kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch và bãi bỏ một số văn bản không còn phù hợp.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại