Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:54
RSS

Chườm nóng hay chườm lạnh như thế nào cho đúng?

Thứ năm, 08/08/2019, 14:44 (GMT+7)

Chườm nóng, chườm lạnh là các kỹ thuật đơn giản giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả trong nhiều trường hợp bệnh lý. Cùng học cách chườm nóng hay chườm lạnh đúng cách.

Chườm nóng hay chườm lạnh

Cần học cách chườm nóng hay chườm lạnh để áp dụng với tùy từng loại bệnh

Y học đã chứng minh rằng những thay đổi của nhiệt độ bên ngoài sẽ dẫn đến sự thay đổi không nhỏ bên trong cơ thể con người và với những nền nhiệt độ khác nhau, cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau.

Sức nóng rất tốt trong việc làm tăng tuần hoàn và để cơ bắp được thả lỏng thư giãn (dù là bị đau ở bên trong hay bên ngoài), trong khi chườm lạnh lại hữu ích trong việc ngăn ngừa sưng phù và giảm đau. Vấn đề đặt ra là khi bạn gặp một tổn thương nào đó, bạn sẽ chọn cách tác động làm tăng nhiệt độ, hay còn gọi là chườm nóng, hay tác động làm giảm nhiệt độ, tức là chườm lạnh.

Chườm nóng

Khi nào thì nên chườm nóng

Theo các chuyên gia, chườm nóng là phương pháp điều trị cho các tổn thương đã xảy ra trên 48 tiếng đồng hồ, có tác dụng làm giãn mạch máu, gây sung huyết cục bộ, làm tăng tuần hoàn tại chỗ tức là máu sẽ được vận chuyển nhiều hơn vào khu vực tổn thương để kích thích chữa lành các mô hỏng. Ngoài ra chườm nóng cũng giúp giãn cơ, dây chằng, giảm kích thích thần kinh dẫn đến giảm đau.

Như vậy, bạn có thể áp dụng chườm nóng trong việc xua tan các cơn mỏi vai cổ, các vết bầm tím lâu tan, chườm sau khi bị chuột rút hoặc căng cơ...

Các cách chườm nóng thường gặp

Có hai loại chườm nóng thường gặp, bao gồm:

1. Chườm nóng cục bộ ở những vị trí đặc biệt với:

  • Chai nước nóng
  • Túi chườm nóng
  • Nhiệt ẩm (khăn nhúng nước ấm)
  • Khăn ấm

2. Chườm nóng toàn thân sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn bằng cách:

  • Tắm nước ấm
  • Xông hơi

chườm nóng hay chườm lạnh

Chườm nóng giúp giảm đau mỏi hiệu quả

Lưu ý khi chườm nóng:

  • Tránh để tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị nhiệt
  • Bọc kĩ nguồn nhiệt vào khăn để tránh bỏng
  • Không chườm trực tiếp lên vùng da nhạy cảm, khu vực đang bị tổn thương
  • Tránh sử dụng chườm nóng toàn thân trong thời gian dài

Chườm lạnh

Chườm lạnh có tác dụng gì?

Nhiệt lạnh có tác dụng chống viêm, giảm bớt nhiệt độ trong các khớp, từ đó đẩy lùi các cơn đau nhức.

Chườm lạnh khi nào?

Chườm lạnh là giải pháp tốt nhất cho các trường hợp đau cấp do những tổn thương mới của các mô (viêm cấp) như các chấn thương mới, đỏ, viêm hoặc nhạy cảm. Chườm lạnh đôi khi cũng được sử dụng để giảm đau mạn tính, đặc biệt các trường hợp đau khớp.

Trên thực tế hiện nay việc lựa chọn chườm nóng hay chườm lạnh thường chỉ theo cảm tính của bệnh nhân. Nhiều người gặp các chấn thương và bệnh về xương khớp thường thích chườm nóng hơn, thay vì cần phải chườm lạnh. Thói quen đó là do ảnh hưởng của y học cổ truyền Trung Quốc và tác dụng giảm đau phổ biến, giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên biện pháp này áp dụng sai bệnh gây ra những tác dụng không mong muốn.

Chẳng hạn nguyên nhân các cơn đau mãn tính ở khớp và cơ bắp thường là tình trạng sưng tấy xung quanh khu vực đó. Nếu chườm nóng sẽ tăng thêm nhiệt tại các vùng bị thương cũng giống như bỏ thêm dầu vào lửa. Bạn sẽ làm nóng các mô cơ, dẫn đến tăng nguy cơ thoái hóa sau một thời gian dài.

chườm nóng hay chườm lạnh

Sử dụng chườm lạnh có tác dụng tốt giúp giảm đau sau tập luyện

Khi đau đớn, các cơ bắp sẽ tiết nhiều dịch hơn, gây áp lực và cảm giác căng tức khi cơ thể di chuyển. Trường hợp này nếu được chườm lạnh sẽ giảm sưng tấy, làm chậm quá trình truyển tải thông tin qua các dây thần kinh, nhờ vậy mà giảm các cơn đau.

Khi bệnh nhân bước qua giai đoạn phục hồi, có thể áp dụng chườm lạnh song song với các liệu pháp khác như tập thể dục. Trong trường hợp này, nhiệt lạnh giúp giảm đau và giảm căng cơ. Nếu các bài tập thể dục bạn đang thực hiện là một phần trong liệu trình điều trị bệnh thì chườm lạnh trước và sau khi tập sẽ rất hữu ích. Khi ấy vừa có tác dụng giảm đau và giúp cử động xung quanh vùng bị tổn thương được thoải mái hơn.

Chườm lạnh như thế nào có hiệu quả tốt nhất

Khác với chườm nóng, việc chườm lạnh chỉ nên sử dụng phương pháp làm lạnh cục bộ chứ không dùng phương pháp làm lạnh toàn thân vì sẽ mang lại nhiều yếu tố rủi ro cho người bệnh. Các cách chườm lạnh thường gặp bao gồm:

  • Túi đá
  • Khăn lạnh (khăn được bọc kín trong túi nilon và để ở ngăn đá khoảng 15 phút)
  • Túi gel lạnh
  • Túi đựng rau củ đông lạnh
  • Miếng dán hạ nhiệt có tác dụng làm lạnh

Lưu ý khi chườm lạnh:

  • Không chườm lạnh ở một vùng quá 20 phút liên tiếp
  • Không chườm lạnh ở khu vực tuần hoàn kém, người bị bệnh tim không chườm lạnh ở vai trái
  • Chườm lạnh ngay sau khi chấn thương hoặc luyện tập cường độ cao
  • Khi sử dụng đá để chườm lạnh, cần bọc đá vào khăn trước khi áp lên khu vực bị tổn thương
  • Chườm lạnh lặp lại nhiều lần với những mô bị sưng hoặc đau. Tuy nhiên, bạn nên chú ý để cơ thể có khoảng nghỉ giữa các lần chườm.
Nguyên Hải
Theo Đời sống Plus/GĐVN