Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:06
RSS

Chưa lùi lịch thi tốt nghiệp THPT 2021

Thứ năm, 06/05/2021, 07:47 (GMT+7)

Từ ngày 3/5 tới nay, một số địa phương có dịch Covid-19 đã dạy học trực tuyến với học sinh các cấp. Thời điểm này, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT cũng như thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cận kề. Băn khoăn lớn nhất của phụ huynh và học sinh là lịch học và thi của các em có điều chỉnh hay không?


Học sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Quang Vinh.  

Chưa điều chỉnh thời gian kết thúc năm học

Ngay trong sáng 5/5, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, trong thời gian học sinh không đến trường để phòng, chống dịch covid-19 việc học tại các địa phương không bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì, do đó thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh.Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Đối với các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10 THPT, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi,… sẽ do các địa phương chủ động kế hoạch, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương.

Ông Thành cho biết cụ thể hơn: Theo khung kế hoạch thì đến ngày 31/5 mới kết thúc thời gian năm học 2020- 2021, như vậy hiện quỹ thời gian vẫn còn gần 1 tháng. Trường hợp một số tỉnh tạm dừng cho học sinh đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thì địa phương sẽ căn cứ và áp dụng Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Qua đó, chủ động thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian năm học theo khung chương trình của Bộ GDĐT. Hiện, các địa phương cũng chủ động kích hoạt việc dạy học trực tuyến.

Đảm bảo việc kiểm tra đánh giá

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc dạy - học trực tuyến, các trường sẽ tổ chức kỳ thi cuối năm để đánh giá học sinh các cấp ra sao? Ông Thành cho hay: Theo quy định như thường lệ, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GDĐT.

Song trong trường hợp này, các trường mà vẫn còn quỹ thời gian, thì có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ, khi thời gian này học sinh đang tạm nghỉ đến trường vì Covid-19; khi học sinh có điều kiện quay trở lại trường thì có thể thực hiện bài kiểm tra. Tức là có thể điều chỉnh lịch kiểm tra muộn để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19.

Còn xa hơn, trong trường hợp bất khả kháng mà học sinh không thể đến trường, hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến. Khi tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, nhà trường phải có biện pháp để đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh.

Ông Thành nêu, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, có quy định rõ các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập. Tùy điều kiện của các nhà trường đối với từng môn học mà Hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ nào phù hợp, đảm bảo khách quan, trung thực.

Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến, thì đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em. Đối với việc kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, học sinh phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để giáo viên có thể phỏng vấn qua mạng nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, thời điểm hiện tại nhiều trường học tại Hà Nội đã sẵn sàng cho hình thức kiểm tra cuối kỳ trực tuyến. Đơn cử như Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm- Hà Nội) dự định tổ chức thi kết thúc học kỳ II sớm hơn 1 tuần so với lịch đã thông báo, tính đến việc giảm tải một số nội dung thi cho học sinh.

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương cho hay, thầy trò nhà trường đã quen với việc học trực tuyến từ năm học trước, do đó khi quay trở lại với hình thức này, cả cô và trò đều không gặp điều gì khó khăn.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường Xuân Phương cũng cho hay, trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh không thể trở lại trường, trường cũng đã sẵn sàng tổ chức thi học kỳ II bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, đối với bậc tiểu học, việc đánh giá không quá khó khăn vì lâu nay, việc kiểm tra ở cấp học này vẫn khá nhẹ nhàng. Thầy cô luôn có những đánh giá thường xuyên trong suốt năm học, vì thế sẽ dễ dàng xếp loại và xét lên lớp.

Còn tại địa bàn quận Ba Đình, các giáo viên trường THCS Giảng Võ cho biết, nhà trường đã kích hoạt trở lại ngay công tác giảng dạy trực tuyến từ ngày 5/5 với thời khóa biểu được xây dựng cụ thể cho học sinh từng khối lớp. Riêng học sinh khối 9 đang chuẩn bị giai đoạn nước rút cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể để học sinh yên tâm học tập, sẵn sàng cho kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 10/6 và 11/6.

Liên quan đến các kỳ thi tuyển sinh, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, để bảo đảm chất lượng, tiến độ nhằm hoàn thành kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 theo quy định của Bộ GDĐT, các nhà trường cũng dành sự quan tâm, ưu tiên đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, giúp các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi và tuyển sinh.

Đối với công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, đến thời điểm hiện tại, các mốc thời gian trong quy trình thực hiện công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 tại Hà Nội vẫn giữ nguyên theo lịch đã công bố. Học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn thực hiện việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 từ ngày 12/5 theo đúng kế hoạch đã công bố. Học sinh học tại đâu thì đăng ký nguyện vọng dự tuyển tại đó.

Đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu thuộc chương trình lớp 12

Bộ GDĐT vừa ban hành thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó nêu rõ nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Nội dung quy chế nêu rõ, Bộ GDĐT có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệpTHPT, quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác; chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế thi; xây dựng đề thi cho kỳ thi hằng năm; đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về việc chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.

 

DUNG HÒA
Theo Đại Đoàn Kết