Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:59
RSS

Chủ động dừng các hoạt động VHNT để đảm bảo an toàn

Thứ bảy, 20/02/2021, 09:17 (GMT+7)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc dừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật đang là phương án tối ưu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Văn Miếu Quốc Tử Giám đóng cửa phòng chống dịch.

Sau năm 2020 phải hoãn Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mới đây nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có thông báo Ngày Thơ Việt Nam 2021 sẽ tiếp tục lỗi hẹn với những người yêu thơ.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trước Tết Nguyên đán chừng một tháng, khi tình hình Covid-19 chưa có dấu hiệu phức tạp, Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã có công văn gửi tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh thành trong cả nước thông báo việc hoãn Ngày thơ Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết thêm, đối với các tỉnh thành trong cả nước sẽ phụ thuộc vào tình hình của địa phương mà quyết định tổ chức hay không và nếu tổ chức thì tổ chức theo hình thức nào an toàn nhất. Đến nay, tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp hơn. Do vậy, chắc chắn tất cả các địa phương phải dừng tổ chức Ngày thơ.

“Hy vọng xuân năm tới khi không còn vấn đề Covid-19 nữa, Ngày thơ Việt Nam sẽ được tổ chức với những đổi mới sau hơn 10 năm tổ chức Ngày thơ” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

 Ngày thơ Việt Nam tiếp tục lỗi hẹn vì dịch bệnh.

Không chỉ Ngày thơ Việt Nam không thể thực hiện theo kế hoạch, trước đó Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã thông báo đóng cửa và dừng hoạt động xin chữ tại di tích.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám các hoạt động lễ hội tổ chức thường niên tại đây vào dịp Tết đến xuân về đều cơ bản dừng từ trước Tết. Trong những ngày cuối năm và đầu năm mới, Trung tâm vẫn phục vụ khách du xuân, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như bố trí các điểm sát khuẩn, đo thân nhiệt, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang…

Một số ngày, khá nhiều khách vẫn đến du xuân tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, song so với các mùa lễ hội trước thì lượng khách vẫn rất thấp. Tuy nhiên, từ sáng 16/2, Trung tâm chính thức đóng cửa, dán thông báo tạm dừng phục vụ để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Chỉ có một số rất ít người dân chưa nắm bắt thông tin kịp thời hoặc có việc đi ngang qua, ghé vào vái vọng.

Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết thêm, Trung tâm tranh thủ thời gian tạm dừng đón khách để tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu trưng bày Trường Quốc Tử Giám, phục dựng các sinh hoạt tại trường, dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm nay; tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia tiến sĩ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy giá trị rộng rãi hơn.

 

Dừng hoạt động cho chữ tại Hồ Văn.

Cũng với Văn Miếu Quốc Tử Giám nhiều di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có thông báo đóng cửa, không đón khách như Phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn, gò Đống Đa, chùa Hương… Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thông tin rộng rãi về việc dừng đón khách nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Theo lãnh đạo của Trung tâm, trong thời gian tạm dừng đón khách, trung tâm tập trung nghiên cứu chuyên sâu các nghi lễ, nghi thức cung đình để phục vụ khách tham quan, xây dựng sản phẩm du lịch đêm ra mắt trong thời gian sớm nhất.

Các hoạt động tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên; cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng dịch,… cũng sẽ được triển khai trong thời gian này, nhằm mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất dành cho du khách. Khu di tích mới trang bị máy đo thân nhiệt tự động, bình sát khuẩn tự động… ở các cổng chính.

Phương án di chuyển giãn cách cũng như tuyên truyền khách tham quan tuân thủ thông điệp “5K” sẽ tiếp tục được duy trì khi di tích mở cửa trở lại.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bảo tàng ngoài việc tạm dựng đón khách cũng đã có những phương án cụ thể trong “để trống” này. Trong thơi gian này Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ưu tiên cho việc sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật; Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương...; thì Bảo tàng Hà Nội lại tận dụng thời gian này để đẩy mạnh làm việc trực tuyến giữa các chuyên gia trong nước, đơn vị tư vấn thiết kế với các chuyên gia bảo tàng tại Pháp về trưng bày.

 

Lễ hội hoa Ban Điện Biên.

Cùng với Hà Nội đang quyết liệt trong việc phòng chống dịch, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đã chủ động tạm dừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản về việc không tổ chức Lễ hội hoa Ban và Ngày hội VHTTDL tỉnh Điện Biên lần thứ VII.

Theo kế hoạch trước đó trọng tâm các hoạt động được tổ chức từ ngày 12 đến 15/3 tại TP Điện Biên Phủ, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh…

Bên cạnh đó, UBND TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã có văn bản hỏa tốc tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến và tất cả các di tích trên địa bàn để phòng chống dịch. Khu danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh) cũng đã có thông báo tạm dừng đón khách…

Bên cạnh việc tạm dừng, hủy các sự kiện, ngành văn hóa cũng đang có những phương án tối ưu sẵn sàng hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

 Các hoạt động VHNT sẽ được tổ chức trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bộ VHTT vừa có quyết định tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2021 tại các điểm biểu diễn công cộng khu vực phía Bắc. Hoạt động này nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng trong công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá; phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn dân trong việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ, ca sĩ có thể giao lưu, trao đổi, giải đáp, hướng dẫn cho công chúng cách phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo đó, trong tháng 3 và tháng 4, Cục Văn hóa cơ sở và các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL dàn dựng, tổ chức các chương trình nghệ thuật, giao lưu có nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá để biểu diễn miễn phí tại nhiều địa điểm công cộng khu vực phía Bắc trong năm 2021.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định tổ chức Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) vào tháng 5 tới đây.

Dự kiến, liên hoan sẽ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chọn lựa 20 đội tuyển từ các địa phương tham gia, với 4 phần thi: Giới thiệu đội hình; giới thiệu sách; năng khiếu; trả lời câu hỏi kiến thức về quá trình, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tìm đường cứu nước của Bác Hồ và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.

Hoàng Minh
Theo Đại đoàn Kết