Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:13
RSS

Chóng mặt khi mang thai và những điều cần lưu ý

Chủ nhật, 26/02/2023, 08:29 (GMT+7)

Rất nhiều phụ nữ bình thường vốn khỏe mạnh nhưng sau khi mang thai thường gặp phải triệu chứng chóng mặt kèm theo buồn nôn. Tuy nhiên, nếu như người bình thường có thể tìm đến một vài sản phẩm Đông y hỗ trợ thì phụ nữ có thai lại không thể tùy tiện mà uống bất kỳ loại thuốc nào.

Chính vì vậy, việc hiểu về triệu chứng chóng mặt trong từng giai đoạn của thai kỳ có thể giúp chị em cải thiện được tình trạng này và có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh hơn.

1. Chóng mặt trong 3 tháng đầu thai kỳ

Nhiều người cho biết, 3 tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian áp lực nhất mà chị em phải trải qua. Những thay đổi đột ngột của sinh lý gây ra rất nhiều phiền toái như mẩn ngứa, nổi mụn, nôn nghén làm chị em không mấy dễ chịu, và bị chóng mặt khi mang thai thường xuyên do một số nguyên nhân:

1.1. Thay đổi hormone và huyết áp

Ngay khi có thêm một mầm sống, nồng độ hormone trong cơ thể người mẹ đã thay đổi để giúp em bé phát triển trong tử cung của mẹ. Khi đó, lưu lượng máu tăng lên và tập trung bên bào thai, bánh nhau, dây rốn khiến huyết áp của mẹ bầu thay đổi gây ra chứng huyết áp thấp.

Chính vì vậy, mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, choáng váng, xây xẩm nhất là khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đang ngồi đứng lên. Tuy nhiên, mẹ bầu không cần quá lo ngại khi được bác sĩ thông báo bạn bị huyết áp thấp.

Điều cần làm là mẹ nên thận trọng hơn để đảm bảo an toàn, hãy thay đổi tư thế một cách từ từ và hãy vịn tay vào đâu đó hoặc ngồi thêm 1-2 phút trước khi thực sự đứng lên để tránh bị ngã.

thay-doi-hormone

1.2. Mẹ bầu bị nghén quá mức

Chóng mặt là hệ quả nếu mẹ bầu bị nghén nặng nề. Nhiều mẹ bị nhạy cảm với mùi vị, tất cả những thực phẩm, đồ uống hay hóa chất có mùi có thể khiến mẹ bị ói mửa dữ dội.

Nguyên nhân là do thay đổi hormone trong cơ thể. Điều này làm mẹ không thể ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cơ thể mất nước và hạ đường huyết.

Các triệu chứng này hầu hết sẽ thuyên giảm khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai vì vậy mẹ cũng không cần quá lo lắng. Hãy cải thiện bằng cách tiếp nhận dinh dưỡng theo một cách khác như ăn hoa quả sấy khô, các loại hạt: mắc-ca, hạt điều, nho ép,….hay sữa bầu.

1.3. Mang thai ngoài tử cung

Đây có thể coi là một biến chứng thai kỳ khá nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Chóng mặt có thể là một trong những biểu hiện của tình trạng này kèm theo đau bụng, chảy máu âm đạo và trở nên dữ dội nếu thai ngoài bị vỡ.

Thông thường, thai nhi sẽ được thụ tinh và làm tổ trong buồng tử cung, tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó mà thai làm tổ ở một vị trí khác chẳng hạn như ống dẫn trứng. Nếu thai ngoài bị vỡ, mẹ cần được làm phẫu thuật cấp cứu và có rất nhiều trường hợp phải cắt bỏ một bên buồng trứng.

mang-thai-ngoai-tu-cung

2. Chóng mặt trong 3 tháng giữa của thai kỳ

Nếu như mẹ bầu bị chóng mặt từ 3 tháng đầu của thai kỳ thì có thể sẽ kéo dài sang 3 tháng giữa, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện nhiều và nặng nề hơn ở một số phụ nữ bởi một số nguyên nhân:

1. Áp lực của bào thai lên tử cung

Tử cung lớn dần lên có thể đè lên một số mạch máu và nó sẽ tiếp diễn đến 3 tháng cuối của thai kỳ. Lúc này, ngay cả việc nằm ngửa cũng khiến mẹ chóng mặt do tĩnh mạch chủ làm nhiệm vụ đưa máu về tim cũng bị chèn ép khiến cho cung lượng tuần hoàn bị giảm, máu lên não bị hạn chế dẫn đến chứng chóng mặt, xây xẩm gia tăng.

Mẹ nên tìm hiểu một vài bài tập yoga để giúp máu lưu thông tốt hơn và nhận biết điều gì khiến mẹ bị chóng mặt nặng nề để giảm những ảnh hưởng tiêu cực của cơn chóng mặt.

2. Bệnh tiểu đường thai nghén

Một số mẹ bầu có lượng đường trong máu tăng cao quá mức, các tế bào bị mất nước nghiêm trọng gây ra hiện tượng chóng mặt. Để tầm soát bệnh tiểu đường các bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ làm thử nghiệm đường huyết lúc đói trong lần khám thai ở giữa tuần 24 và 28 của thai kỳ.

Nếu như mẹ mắc phải bệnh này thì các bác sĩ sẽ khuyên bạn khám thai định kỳ, theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và có kế hoạch tập luyện, dinh dưỡng chuẩn mực.

benh-tieu-dung-thai-nghen

3. Hạ đường huyết

Nếu như lượng đường trong máu quá thấp cũng gây ra các cơn chóng mặt, kèm theo đổ mồ hôi, run rẩy, xây xẩm, đau đầu. Thai nhi phát triển ngày càng lớn đòi hỏi nhu cầu năng lượng tăng lên.

Tuy nhiên, thai nhi lớn lên cũng gây chèn ép dạ dày khiến mẹ không thể ăn nhiều một lúc. Vì vậy, mẹ nên bổ sung dinh dưỡng bằng các bữa ăn nhẹ như hoa quả, sữa bầu, bánh ngọt hoặc ngũ cốc.

Chóng mặt có thể nhanh chóng qua đi nhưng cũng có thể theo mẹ suốt cả thai kỳ, chính vì vậy để đảm bảo an toàn mẹ nên có sự “cảnh giác” nếu như mình thường xuyên gặp triệu chứng này. Nếu phải đồng thời chăm sóc em bé lớn hay đi làm, mẹ hãy cân đối thời gian làm việc với nghỉ ngơi, nếu công việc quá áp lực hãy đề nghị giúp đỡ từ người thân hay đồng nghiệp. Trong thời gian này, sức khỏe của bạn chính là quan trọng nhất.

thông tin tư vấn

DS. Hiền Nguyễn
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại