Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:02
RSS

Chống dịch Covid-19 tốt, Việt Nam có thể tránh suy thoái kinh tế

Thứ tư, 06/05/2020, 15:30 (GMT+7)

Nhận định của một chuyên gia về châu Á hôm 4/5 cho rằng Việt Nam có thể tránh được kịch bản suy thoái kinh tế.

Chống dịch Covid-19 tốt, Việt Nam có thể tránh suy thoái kinh tế
Chống dịch Covid-19 tốt, Việt Nam có thể tránh suy thoái kinh tế. Ảnh Người Lao Động

Báo Người Lao Động dẫn nguồn từ CNBC cho biết, ông Sian Fenner, chuyên gia hàng đầu về kinh tế châu Á tại Công ty Oxford Economics (Anh) - chuyên về dự báo và phân tích định lượng, cho biết: "Việt Nam sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng từ sự suy giảm chung của nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nước này sẽ không rơi vào suy thoái".

Ông cho rằng, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc chuyển hướng chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chính điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam.

Nhận định của ông dựa trên việc Việt Nam bắt đầu cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại từ cuối tháng 4/2020.

Từ thời điểm Việt Nam quyết định thời gian cho học sinh học trở lại, hàng triệu học sinh đã bắt đầu đến trường sau 3 tháng ở nhà, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại.

Theo thông tin từ trang BBC News Việt Nam, một số các quốc gia đã và đang đưa ra các biện pháp và chính sách quyết liệt về kinh tế để giảm thiểu tác động của đại dịch này đối với nền kinh tế.
Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức... và gần đây nhất là Liên hiệp châu Âu đã tung ra hàng trăm tỷ USD cứu trợ kinh tế.

Kinh nghiệm các nước đối với virus corona cho đến nay đã cho thấy cách tốt nhất để ngăn chặn dịch là hạn chế sự tiếp xúc của con người, kênh chính mà virus lây lan.

Do đó, Việt Nam đang có những biện pháp đúng bằng cách đóng cửa các trường học và cửa hàng, thực hành cách ly xã hội (social distancing), đình chỉ các chuyến bay quốc tế và cách ly những người mới đến bao gồm cả người nước ngoài và cả công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài để ngăn chặn virus lây lan.

Vì vậy, mục tiêu chính của chính sách hiện nay là phải thực hiện các biện pháp y tế, đồng thời làm giảm thiểu các ảnh hưởng xã hội của đại dịch và duy trì năng lực của nền kinh tế hầu có thể phục hồi những hoạt động sản xuất như bình thường trong cơ hội sớm nhất.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN