Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:31
RSS

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT

Thứ hai, 11/03/2019, 09:55 (GMT+7)

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đằng sau việc thiếu minh bạch của các dự án BOT không chỉ là nhà đầu tư mà cả 1 nhóm lợi ích. Việc người dân tự "lập trại", giám sát hoạt động trạm BOT Ninh Lộc là minh chứng cho thấy niềm tin của dân bị tát cạn. Trong khi đó, vai trò của Bộ GTVT gần như bằng 0 khi "bỏ mặc" cả người dân lẫn chủ đầu tư.

Cho rằng trạm thu phí đường bộ BOT Ninh Lộc, thuộc dự án mở rộng QL 1A, dài 38km đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa, gian lận số liệu thống kê như: tổng mức đầu tư, số tiền thu hàng ngày để kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn, chiếm đoạt tài sản nhà nước và xâm hại quyền lợi người dân, từ cuối tháng 2 đầu 3.2019, một nhóm người dân (ở nhiều địa phương khác nhau) đã đến "lập trại", giám sát hoạt động trạm BOT này bằng cách kiểm đếm thủ công.

Liên quan đến vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico.

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT
 Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico.

Người dân bị "tát cạn" niềm tin

Vì sao đến mức người dân phải đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc?

Người dân đang mất niềm tin đối với các dự án BOT đường bộ nói chung, BOT Ninh Lộc nói riêng bởi thời gian qua, sau thanh tra, kiểm toán, hàng loạt các dự án BOT đường bộ cả nước bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng.

Trong quá trình triển khai, nhiều chủ đầu tư, dự án đã bộc lộ sự thiếu minh bạch, biểu hiện sai phạm như làm một đường, thu một nẻo; Làm sau, thu phí trước; làm ít thu nhiều (chỉ mở rộng vài mét QL1A, nhưng thu phí cả con đường); Có biểu hiện nâng khống giá trị đầu tư, thu nhiều nhưng khai ít…

Đây chính là "giọt nước tràn ly" và hành động tự lập trạm để kiểm đếm xe qua BOT Ninh Lộc đã minh chứng niềm tin của dân bị tát cạn.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư BOT Ninh Lộc nên hoan nghênh người dân để chứng minh tôi là trong sạch, thậm chí đang bị thua lỗ thay vì đe doạ.

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT 
Một số người dân ngồi tại trạm thu phí Ninh Lộc để đếm xe qua lại trạm. Ảnh: Tiền phong.

Liên quan đến sự việc này, Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa vừa có kiến nghị Bộ giao thông Vận tải lập đoàn kiểm tra về tình hình thu phí của trạm trong 3 tháng, trong đó mời chính quyền địa phương và người dân tham gia giám sát. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Việc người dân muốn kiểm toán độc lập, tôi cho là hoàn toàn đúng. Tại sao tôi lại nói thế. Ví dụ cùng tham gia giám sát, người dân sẽ chỉ được tham gia một phần và không có vai trò gì cả, mọi thứ thông tin chỉ láng máng thôi. Nếu làm độc lập họ mới có thể nắm được hết toàn bộ sự việc.

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT 
Văn bản của Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa.

Trên thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra, chủ đầu tư bắt tay với một số hãng xe lớn đi đường khác, hay tạm ngừng… để giảm lượng xe lưu thông trong những ngày thanh kiểm tra. Vì vậy, ngay cả đếm thì nhà nước cũng phải đếm bí mật. Tôi đếm nhưng tôi không nói tôi đếm, chứ bây giờ lại tổ chức cả tiểu đoàn, tiểu đội ra đếm. Công khai thời gian, ngày giờ và phương thức thanh kiểm tra thì chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”, không mang lại hiệu quả.

Về phía người dân, đếm ngày nào nên cập nhật ngay ngày đấy. Cộng ngay số liệu giờ nào cộng giờ đấy, công bố báo chí ngay lập tức. Không loại trừ khả năng mất dữ liệu kiểm đếm một lần nữa bởi vì bây giờ có mang gửi ở két sắt cũng có thể mất cắp.

Trắng vai trò của Bộ GTVT

Không chỉ BOT Ninh Lộc mà thời gian qua nhiều vụ liên quan đến thu chi BOT cho thấy sự bất nhất và thiếu minh bạch. Vai trò của cơ quan quản lý là Bộ GTVT ở đâu?

Vai trò của Bộ GTVT gần như là số 0. Cứ nhìn hiện tượng đã từng xảy ra tại Pháp Vân – Cầu Giẽ năm 2015 thì thấy, chênh lệch thu chi mỗi ngày lên tới 500 – 600 triệu đồng. Như vậy, một năm ít nhất hơn chục tỷ và khi mọi việc được “bóc phốt”, Bộ GTVT không có bất cứ động thái gì để kiểm soát, để quản lý, để theo dõi.

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT 
Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Chưa kể, đến khi mọi việc được phanh phui cũng không một ai phải xin lỗi cả. 4 năm tiếp theo, Cơ quan quản lý vẫn không làm gì. Đến bây giờ mới rục rịch tìm biện pháp để đo đếm thì đúng là quá tệ, quá chậm trễ. Thậm chí còn bao che, bưng bít hay tìm mọi cách lấp liếm cho chủ đầu tư.

Hay như con số 2,2 tỷ đồng ở trạm BOT Dầu Giây, Đồng Nai hôm mùng 3 Tết, số tiền thực mất và khai báo của nhà đầu tư lại vênh nhau nhiều tỷ đồng dù chỉ 2 ca trực/ngày. Người dân nghi ngờ, phản ứng, đơn vị chức năng ngành giao thông vào kiểm tra lại "không phát hiện sai phạm". 

Vậy theo ông đằng sau sự thiếu minh bạch là gì? Ai đứng sau những dự án BOT này để thu lời?

Đằng sau sự thiếu minh bạch sẽ là một nhóm lợi ích nào đó. Điều đáng nói là nhiều dự án BOT có biểu hiện tham ô, tham nhũng nhưng cơ quan chủ quản không làm đến nói đến chốn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thu lợi về thúi mình. Nếu không có chuyện lợi ích nhóm, làm sao có chuyện chủ đầu tư gian lận, tại sao cơ quan quản lý lại không biết được chứ?

Rõ ràng, cơ quan quản lý nhìn thấy lỗ hổng to đùng từ lúc giao thầu, đấu thầu đến giám sát nghiệm thu, rồi đến cả vấn đề thu – chi hiện nay nhưng lại không có động thái gì là một hành động tạo điều kiện cho chủ đầu tư trục lợi.

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT 
Ảnh minh họa: tivnews.wordpress.com

Đó cũng là một phần lý do tại sao lại không thu phí tự động được. Chưa kể, bản chất không phải là tự động hay không tự động mà phải giám sát, quản lý được chính xác nguồn thu. Tự động chỉ là đơn giản hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng chính xác hơn chứ còn đâu nếu làm tự động mà lại gian lận thì còn khủng khiếp hơn là làm thủ công. 

Từ thực tiễn hiện nay, ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý không, thưa ông?

Nếu Bộ GTVT không có động thái gì để trấn an người dân, để lấy được thông tin chính xác thì cho dù bây giờ con số thu – chi của chủ đầu tư có là sự thật đi chăng nữa, mọi thứ làm tốt bao nhiêu nữa thì cũng không bao giờ người dân người ta tin được.

Muốn làm thế nào đi chăng nữa, kể cả tự động sau này cũng không thể để cho nhà đầu tư tự họ múa máy, tự biên tự diễn như vậy đươc. Vẫn phải nâng cao chức năng giám sát. Thậm chí, nếu cơ quan quản lý không làm được điều đấy thì lên tiếng bảo dân để dân bỏ tiền ra đứng lên làm hộ.

Cũng phải nói thêm rằng, động thái của người dân trong thời gian vừa qua không phải là phản đối, cấm chủ đầu tư BOT thu phí mà vấn đề chỉ là thu nhiều hay thu ít và vị trí nào là phù hợp. Nếu căng quá Tổng cục đường bộ, Bộ GTVT có thể cho chủ đầu tư dừng thu phí 1,2 hôm, chứ không nên nghỉ thu phí cả 1 năm trời như trường hợp của BOT Cai Lậy.

Chiêu trò 'móc túi' người dân của ông chủ BOT và sự vô trách nhiệm của bộ GTVT 
Sau hơn 1 năm dừng thu phí BOT Cai Lậy chủ đầu tư dự án đã bị lỗ trên 130 tỷ đồng

Dừng thu phí 1 năm sẽ mất bao nhiêu là tiền của, chi phí hoàn vốn… Thời gian đấy lãi ngân hàng ai chịu, nợ xấu thì sao, bao nhiêu công ăn việc làm thì sao?

Lẽ ra cơ quan quản lý khi xảy ra sự việc phải làm thế nào nhanh chóng khắc phục. Đằng này lại đem bỏ luôn 1 năm trời không thu phí. Chính sách quá tả, quá hữu.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Anh
Dân Việt