Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:17
RSS

Chạy xe ôm kiếm sống, cựu tuyển thủ U19 Việt Nam chỉ mong kiếm 200 ngàn mỗi ngày

Thứ sáu, 11/09/2020, 09:04 (GMT+7)

Từ một cầu thủ triển vọng của lò đào tạo bóng đá hàng đầu Việt Nam, giờ đây Phan Bá Hoàng phải vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền với nghề xe ôm công nghệ ở độ tuổi còn rất trẻ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông tại xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), Phan Bá Hoàng sớm bộc lộ năng khiếu chơi bóng và được trung tâm đào tạo bóng đá nổi tiếng PVF đã kí hợp đồng năm 2009 khi nhận thấy tài năng của cầu thủ này .

Tại PVF, Bá Hoàng là cầu thủ đầu tiên được đôn lên thi đấu đội khóa trên, gặt hái được những thành tích: 1 HCV giải U13 Quốc gia; 3 HCB các giải U15, 17, 19 Quốc gia; 1 HCV trong màu U19 Việt Nam tại giải U19 Quốc tế 2017; và từng được gọi lên tuyển U18 Việt Nam chuẩn bị cho giải U18 Đông Nam Á 2017 diễn ra ở Myanmar. 

Đáng tiếc sau chấn thương và vì nhiều lý do khác nhau, cầu thủ này đã chia tay với đam mê chơi bóng và trở thành shipper ở độ tuổi 21 tại Cần Thơ. Giờ đây, mục tiêu hàng ngày của Hoàng là kiếm được 200 ngàn để trang trải cuộc sống vốn nhiều lỗi nhọc nhằn.

Chia sẻ với báo chú, Bá Hoàng tâm sự: “Con xe này gia đình phải phụ thêm mới có được đó anh. Mua xong tôi vào Cần Thơ với chưa tới vài triệu trong tay để làm lại từ đầu. Tài sản tích cóp sau 10 năm theo bóng đá có mỗi thế thôi. Giờ cố gắng mỗi ngày chạy xe, phải cày vượt mốc 200 ngàn cho bằng được, vậy mới mong ổn thỏa để còn tính tiếp. Tiền phòng trọ cũng 2 triệu mấy một tháng rồi”.

Phan Bá Hoàng chỉ mong kiếm 200 ngàn một ngày
Phan Bá Hoàng giờ là chàng Sipper nơi đất khách quê người. Ảnh: Cauthu

Dù phải vất vả vật lộn với cuộc sống mưu sinh, Bá Hoàng vẫn lạc quan vào cuộc sống: “Nghề này dễ mà anh, học 1 ngày là xong, chỉ cần sức khỏe thôi. Ngày trước mình đá bóng cũng chạy ngoài nắng, chạy tìm bóng, tìm vị trí tốt rồi, tìm cơ hội, đường vào khung thành,… Đá bóng với chạy xe ôm không khác nhau là mấy anh nhỉ?”

“Đi đá bóng mà đôi lúc tôi cảm thấy mình như một thằng “tứ cố vô thân”. Lúc tôi chấn thương không thể tập và còn lý do chưa đóng góp gì cho đội, một HLV kêu tôi lựa chọn giảm lương hoặc thanh lý. Cũng chẳng phải lần đầu tôi được nhận lời đề nghị rất khó hiểu như thế. Tôi đã chọn thanh lý. Có lẽ mình hết duyên với bóng đá thật rồi”, Bá Hoàng nói trong nỗi buồn về quyết định chia tay với đam mê bóng đá trên trang Cauthu.

Câu chuyện của Phan Bá Hoàng na ná với bi kịch của Hoàng Tử bóng đá Việt Nam Công Cương gần 10 năm về trước. Ngược lại thời gian vào năm 2009, CLB Liverpool của nước Anh ký kết hợp cùng kênh truyền hình thực tế VBC tổ chức chương trình “Hoàng tử bóng đá Việt Nam” nhằm tìm kiếm những tài năng cho nền bóng đá hình chữ S.

Vượt qua nửa năm so tài với các tài năng tới từ ba miền Bắc – Trung – Nam, Nguyễn Công Cường, cầu thủ quê Hà Nội với chiếc chân trái vô cùng khéo léo và tính tình khá nhút nhát đã trở thành “Hoàng tử bóng đá Việt Nam”.

Sau chương trình này, Công Cường vinh dự nhận suất học bổng 1 năm tại Học viện của CLB Liverpool. Cùng với Công Cường thì Nguyễn Anh Tú và trường giang là 2 cầu thủ may mắn được ban tổ chức lựa chọn để sang Anh tập luyện (những người đứng thứ 2 và 3 của chương trình, xếp sau Công Cường).

Tháng 6/2010, cả 3 cầu thủ trúng tuyển đã lên đường sang Anh để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Sau 1 tháng tập luyện, Trường Giang bị trả về vì không đáp ứng được những điều kiện của Học viện Liverpool đưa ra.

Công Cường, Anh Tú vẫn được giữ ở lại, và được tập luyện và thi đấu cùng những “sao mai” của Học viện Liverpool, trong đó có cả tiền vệ Sterling, người được Man City đưa về sân Etihad với giá 49 triệu bảng.

Ở Liverpool, Công Cường cùng Anh Tú hòa nhập rất nhanh với các cầu thủ cùng Học viện. Tưởng như bộ đôi tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam đã chạm tới ước mơ được rèn luyện ở một trong những CLB hàng đầu châu Âu thì biến cố bất ngờ đã xảy ra và chặn đứng giấc mơ của họ.

Sau ba tháng được học văn hóa và tập luyện bóng đá tại Liverpool, Công Cường và Anh Tú trở về Việt Nam nghỉ ngơi do các đội bóng bên Anh bước vào giai đoạn nghỉ đông. Tuy nhiên kể từ đó, cả hai đã không còn có cơ hội để hoàn tất 9 tháng còn lại của suất học bổng bởi ban tổ chức hết kinh phí.

Lúc này, kinh tế thế giới đang khủng hoảng, chương trình “Hoàng tử bóng đá Việt Nam” tạm thời hoãn lại và chờ những thông báo tiếp theo. Những năm tháng sau đó, Công Cường không nhận được hồi âm từ ban tổ chức và thiệt đơn thiệt kép khi không thể tiếp tục con đường bóng đá chuyên nghiệp và cũng thể hoàn thành chương trình Trung học phổ thông vì đã xin nghỉ để sang Anh tập luyện.

Công Cường buộc phải làm lại từ đầu bằng việc hoàn thành chương trình học Phổ thông rồi tiếp tục gắn bó với trái bóng tròn. Đáng tiếc, trong một buổi đá tập, Cường gặp phải chấn thương nặng và con đường trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp cũng chấm dứt từ đó.

Hoàng Tử bóng đá Việt Nam năm nào giờ thi thoảng xuất hiện trên sân phủi cùng với bạn bè để giải tỏa niềm đam mê và rèn luyện sức khỏe. Qua câu chuyện của Bá Hoàng và Công Cường, nhiều người không khỏi tiếc cho những tài năng bóng đá Việt Nam sớm nổ tối tàn vì những quyết định có phần khó hiểu của người lớn.

N.P (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN