Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:01
RSS

'Chặn' hiểm họa trước cổng trường học

Chủ nhật, 25/08/2024, 11:34 (GMT+7)

Để có thể chủ động bảo vệ trẻ trước những nguy cơ, hiểm họa mất an toàn tại cổng trường, cha mẹ nên bảo đảm cho con ăn ở nhà trước khi đi học.

'Chặn' hiểm họa trước cổng trường

Thực phẩm bày bán tại khu vực gần trường học dù dành cho trẻ, nhưng không có nguồn gốc, xuất xứ.

Để có thể chủ động bảo vệ trẻ trước những nguy cơ mất an toàn tại cổng trường, cha mẹ nên bảo đảm cho con ăn ở nhà trước khi đi học. Nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông cho học sinh để khuyến cáo các em không nên ăn thức ăn đường phố.

Nguy cơ “rình rập”

Hiện nay, trước cổng trường học, các loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn ngang nhiên được bày bán, nguy cơ xảy ra ngộ độc đối với các em học sinh rất lớn và hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, tai nạn thương tâm, ùn tắc giao thông, hay thậm chí là các hành vi xâm hại trẻ em vẫn có nguy cơ xảy ra ở khu vực cổng trường.

Đánh giá về tình hình an ninh, an toàn trước cổng trường hiện nay, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD) cho biết, lo ngại nhất là vấn đề nguy cơ gây ngộ độc thức ăn cho học sinh.

Chuyên gia này phân tích, xung quanh các điểm trường học đều có rất nhiều địa điểm bán đồ ăn, thức uống cho học sinh. Trong đó, có các quầy hàng, xe lưu động, bán rong với những loại thực phẩm đa dạng như bim bim, kem, nước ngọt, trà sữa, hoa quả dầm, xúc xích…

Đồ ăn vặt đa dạng chủng loại, bắt mắt, thu hút rất đông học sinh mua và sử dụng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các mặt hàng này dành cho trẻ, nhưng đều không có nguồn gốc, xuất xứ, chủ yếu là đồ ăn gia công tự chế biến, dụng cụ chế biến sơ sài cộng với không khí bụi bặm không có trang bị dụng cụ che đậy thực phẩm. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ gây ngộ độc thức ăn cho học sinh.

“Đó là chưa kể tới các phẩm màu được pha nước giải khát, tẩm ướp/chiên rán thức ăn nhanh đã được kiểm chứng là phẩm mầu thực phẩm chưa? Vì nếu là phẩm màu hóa chất công nghiệp thì cực kỳ nguy hại lâu dài cho sức khoẻ, thậm chí gây ra ung thư ngay khi ở tuổi trẻ”, bác sĩ An nhấn mạnh.

Một nguy cơ khác là vấn đề học sinh bị tai nạn do môi trường cổng trường thiếu an toàn, nhiều trường cạnh quốc lộ, bệnh viện, chợ, nhiều xe cộ giao thông đi lại, hoặc có nơi, học sinh phải băng qua đường để vào trường.

Do đó, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Ngoài ra, có nhiều điểm trường cạnh ao hồ, sông suối, đường trơn trượt… thiếu biển báo, rào chắn an toàn. Nguy cơ học sinh bị đuối nước cũng cao. Ngoài ra, tuy ít xảy ra, nhưng vấn đề an ninh khác là tình trạng dụ dỗ, bắt cóc trẻ em nhỏ tuổi và vấn đề bạo lực học đường, xâm hại tình dục.

Chủ động bảo vệ trẻ

“Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhằm bảo đảm sự an toàn của trẻ em, giải pháp đề ra là toàn bộ các giáo viên, cán bộ giáo dục nhà trường và học sinh phải được tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích và nguy cơ trẻ bị bắt cóc, xâm hại. Cha mẹ cũng cần được tuyên truyền, giáo dục về các nguy cơ này và cách phòng tránh”, chuyên gia khuyến cáo.

Bên cạnh đó, tại cổng trường, cần làm tốt công tác truyền thông qua loa truyền thanh, nhắc nhở cảnh báo học sinh và các hàng quán, hộ dân trước và ngoài giờ trẻ vào học. Theo quy định, chính quyền sở tại thực hiện đúng và duy trì tốt các nhiệm vụ được giao về an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm nơi cổng trường. Tùy theo điều kiện của từng địa phương có thể thành lập các đội thanh niên cờ đỏ, an ninh trật tự hoặc lắp đặt hệ thống camera an ninh.

Theo bác sĩ An, việc lắp đặt camera có thể góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi bạo lực học đường và giúp nhà trường kiểm soát vấn đề an ninh trong trường. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm khi trẻ tan học, thông qua hệ thống camera, ban giám hiệu nhà trường có thể quan sát toàn cảnh khu vực sân trường, hành lang lớp học, cổng trường.

Từ đó, dễ dàng điều tiết, nhắc nhở nhân viên bảo vệ bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho học sinh, kịp thời phát hiện vụ việc phức tạp có thể xảy ra. Phụ huynh học sinh cũng có thể giám sát được. Tuy nhiên, cần tuỳ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.

Để có thể chủ động bảo vệ con em mình trước những nguy cơ mất an toàn tại cổng trường, theo bác sĩ An, các cha mẹ nên bảo đảm cho con được ăn ở nhà trước khi đi học.

Nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông cho học sinh để khuyến cáo các em không nên ăn thức ăn đường phố, nhất là các quầy hàng bán rong trước cổng trường. Nếu có ăn thì phải biết lựa chọn cửa hàng có tên tuổi, thức ăn có bao bì nhãn mác xuất xứ rõ ràng....

“Đồng thời, cần nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, vì theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, việc để xảy ra mất an toàn thực phẩm trên địa bàn ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Do vậy, vấn đề thức ăn đường phố/cổng trường thuộc về quản lý của cấp quận, huyện thị xã, trạm y tế phường có chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm”, chuyên gia nêu quan điểm.

Để phòng tránh tai nạn thương tích, bắt cóc, xâm hại tình dục, các cha mẹ cần luôn quan tâm đến con, lắng nghe trẻ nói. Hằng ngày, phụ huynh cần chuyện trò chia sẻ cùng con để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến trẻ.

“Hãy truyền các kiến thức và kỹ năng cơ bản phòng tránh tai nạn thương tích, bắt cóc, xâm hại tình dục cho con như: Quy tắc 5 ngón tay, kỹ năng nói không, giằng tay ra và bỏ chạy khi bị người lạ sờ vào người, cùng với những kỹ năng phòng ngừa khác”, bác sĩ An khuyến cáo.

Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở… các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây các bệnh mạn tính như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường…
Yên Chi
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại