Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:01
RSS

"Cha đẻ" của Nữ thần tự do phiên bản "đột biến" ở Sa Pa lên tiếng

Thứ năm, 22/04/2021, 14:57 (GMT+7)

Việc giáo dục, giới thiệu về tính thẩm mỹ và sự hợp lý cho tượng công cộng là việc cần làm khéo léo, dài lâu. Chỉ có mặt bằng thẩm mỹ của cộng đồng mới đủ sức quyết định vẻ đẹp chung của tượng nơi công cộng.

"Nữ thần tự do" phiên bản "đột biến" và những bức tượng gây bão dư luận

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao hình ảnh bức tượng Nữ thần Tự do phiên bản lỗi trong khu du lịch ở Sa Pa với biểu cảm khá hài hước. Bên cạnh những ý kiến cho rằng bức tượng mang lại tính giải trí cao, nhiều người lại nêu quan điểm đây là một sự sao chép thiếu thẩm mỹ.

Cha đẻ của Nữ thần tự do phiên bản đột biến ở Sa Pa lên tiếng

Bức tượng Nữ thần Tự do bị ném đá

Cha đẻ của Nữ thần tự do phiên bản đột biến ở Sa Pa lên tiếng

và sau khi hoàn thiện (Ảnh: Facebook)

Được biết, bức tượng Nữ thần Tự do này nằm trong một điểm tham quan thuộc sở hữu của một người dân địa phương, ở thị xã Sa Pa. Bức tượng cao 12m, phiên bản "ngồi", được làm từ thạch cao và xi măng, bên trong có khung bằng thép.

Trước thông tin gây xôn xao dư luận, ngày 21/4, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết huyện này đã tiến hành kiểm tra việc một điểm du lịch tư nhân trên địa bàn cho xây dựng một khu check in có nhiều phiên bản nổi tiếng, trong đó có tượng "Nữ thần tự do" đến từ nước Mỹ và đang cho tạm dừng do địa điểm này chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Sau khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan chức năng xác định điểm check in này là tự phát, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo các điều kiện để đón khách du lịch tham quan và chụp ảnh. Các mô hình mỹ thuật đã xây dựng trong khu check in không đảm bảo quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn về mỹ thuật.

Từ đó, UBND thị xã Sa Pa yêu cầu chủ cơ sở tạm dừng việc xây dựng các hạng mục và không được đón khách tham quan, chụp ảnh cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan chức năng. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu xử lý điểm du lịch này theo quy định của pháp luật.

Được biết ông Nguyễn Ngọc Đông, chính là chủ cơ sở tham quan này, vốn là hướng dẫn viên du lịch. 

Những ngày qua, khi tượng bị "ném đá" vì quá xấu, ông Đông cho biết ông cũng rất đau lòng, và cho rằng đây là do ông bị "cạnh tranh không lành mạnh", bởi tấm ảnh bức tượng "Nữ thần Tự do" lan truyền trên mạng những ngày qua là do đối thủ của ông chụp khi tác phẩm còn đang trong quá trình hoàn thiện để tung lên mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sẽ chỉnh sửa bức tượng nữ thần tự do theo hướng gần gũi hơn với văn hóa bản địa. Cụ thể, phần "vương miện" của tượng nữ thần sẽ được bỏ đi, thay vào đó là chiếc mũ bê-rê (mũ nồi) của người đàn ông người H'Mông. 

Phần chiếc đuốc sẽ chỉnh sửa thành chiếc khèn – nhạc cụ dân tộc mà người đàn ông H'Mông thường sử dụng trong các dịp lễ hội.

"Điểm check-in của tôi đặt ở Sa Pa, nơi có tỷ lệ đồng bào H'Mông chiếm số đông. Vì vậy, việc chỉnh sửa bức tượng từ Nữ thần Tự do sang hình ảnh một người đàn ông người H'Mông gần gũi, phù hợp với văn hóa bản địa", ông Đông cho biết.

Cũng theo ông Đông, việc chỉnh sửa để hoàn thiện hơn, đẹp đẽ hơn cho tổng thể toàn khu du lịch mà ông sở hữu không vì lý bị dư luận khen chê, ném đá... "Nếu chỉ vì lời khen chê mà tôi phải chỉnh sửa thì chẳng khác nào "đẽo cày giữa đường", ông Đông lý giải.

Trước phiên bản "Nữ thần tự do" gây xôn xao này, dư luận cũng từng phẫn nộ bởi quần thể tượng được xây dựng tại Khu du lịch Quỷ núi, Đà Lạt vào tháng 7/2020.

Cha đẻ của Nữ thần tự do phiên bản đột biến ở Sa Pa lên tiếng

Tượng ở Khu du lịch Quỷ Núi, Đà Lạt bị dư luận lên án là gây phản cảm

Tại khu du lịch này, những bức tượng được thi công với những tạo hình bên ngoài hết sức phản cảm, không phù hợp với 1 địa điểm tham quan du lịch.

Chưa kể đến sự tạo hình "hết sức chi tiết" ở những "bộ phận" nhạy cảm đều được "phô" một cách hết sức khoa trương càng khiến bức tượng phản cảm, thậm chí "tục tĩu" hơn bao giờ hết.

Sau khi vấp phải những ý kiến gay gắt từ dư luận, khu du lịch này đã phải đóng cửa để điều chỉnh sửa chữa lại các bức tượng mà nhiều ý kiến cho là không phù hợp với văn hoá và thuần phong mỹ tục trong khu du lịch.

Cha đẻ của Nữ thần tự do phiên bản đột biến ở Sa Pa lên tiếng

Tượng 12 con giáp phản cảm ở Hòn Dáu khiến dư luận và giới chuyên gia bức xúc hồi đầu năm 2018

Hay vào đầu năm 2018, loạt tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dáu, Hải Phòng cũng gây tranh cãi trong dư luận. 

Theo đó, những bức tượng đá được thiết kế theo hình các con vật trong 12 con giáp, kích thước lớn (cao 1,8m) có bộ phận sinh dục giống như bộ phận sinh dục con người. Hầu hết chuyên gia đánh giá các bức tượng trong vườn tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu không có tính thẩm mỹ và rất phản cảm. Khu du lịch sau đó phải tạm dừng tham quan để chờ kết luận từ hội đồng giám định.

Làm gì để tượng không còn gây tranh cãi?

Bộ VH-TT&DL từng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Văn bản của Bộ VH-TT&DL nêu rõ để bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở: VH-TT&DL, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch... trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Do vậy, việc giáo dục, giới thiệu về tính thẩm mỹ và sự hợp lý cho tượng công cộng là việc cần làm khéo léo, dài lâu. Chỉ có mặt bằng thẩm mỹ của cộng đồng mới đủ sức quyết định vẻ đẹp chung của tượng nơi công cộng. Kế tiếp, dù công trình tư nhân, Nhà nước thì khi đặt ở nơi công cộng yếu tố thẩm mỹ, sự hợp lý phải đặt lên phía trước. Nếu để yếu tố minh họa, sự tuyên truyền lấn lướt thì chắc chắn những tranh cãi như thế này sẽ còn diễn ra dài dài.

K.N (th)
Theo GiadinhNet