Cây xăng chuẩn Nhật và bê bối gian lận tại Kobe Steel (phải) tại Nhật
Cây xăng chuẩn Nhật đang được nhiều người quan tâm về thái độ phục vụ và đổ xăng chuẩn tới 0,01 lít tới khách hàng. Trong khi đó ở Nhật đang xôn xao về bê bối gian lận tại Kobe Steel.
Ngày 5/10 vừa qua, Công ty Idemitsu Q8 đã tổ chức lễ khai trương trạm xăng dầu Idemisu Q8 tại Hà Nội. Cửa hàng xăng dầu này nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, đây là cửa hàng xăng dầu đầu tiên có 100% vốn FDI tại thị trường Việt Nam.
Trạm xăng IQ8 trang bị một hệ thống phần mềm quản lý trạm tự động cho phép thanh toán bằng thẻ POS với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Chỉ đi vào hoạt động cách đây không lâu nhưng trạm xăng IQ8 đã gây "sốt" dư luận, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ sai số nhiên liệu chỉ ở mức 0,01 lít ( các cây xăng Việt lên tới 0,03 lít) mà còn nằm ở cung cách phục vụ.
Khi câu chuyện cây xăng "chuẩn Nhật" Idemistu Q8 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam còn chưa hết "sốt" trên các diễn đàn thì dư luận Nhật Bản lại đang phẫn nộ với những bê bối của tập đoàn sản xuất thép hàng đầu Kobe Steel khi hãng này thừa nhận làm giả dữ về chất lượng nhôm và đồng trong các sản phẩm được cung cấp ra thị trường, theo Tạp chí Nhà đầu tư.
Trong khi người Việt dành lời tán đương văn hóa kinh doanh của Nhật Bản qua hình ảnh Tổng giám đốc Idemitsu Q8 đội mưa, cúi chào khách đến đổ xăng tại trạm xăng trong khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) thì tại Nhật, lãnh đạo Kobe Steel đã phải gập người xin lỗi trong buổi họp báo vì bê bối gây ra.
Tập đoàn Kobe Steel ở Nhật Bản ngày 8/10 thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong chế tạo máy bay, ô tô...
Trong khi vụ bê bối làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm của Tập đoàn Kobe Steel đang ngày càng nghiêm trọng, ngày 12/10, tập đoàn sản xuất thép lớn thứ 3 Nhật Bản này cho biết có thể có thêm nhiều khách hàng tại thị trường nội địa và nước ngoài sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu.
Hồi năm 2016, Shinko Wire, công ty con của Kobe Steel, cũng thừa nhận một bộ phận đã thổi phồng dữ liệu về độ bền chắc của sản phẩm dây thép không rỉ. Người phát ngôn của nhà sản xuất thép Nhật Bản cho biết thêm, việc gian lận tại Kobe Steel thực tế có thể đã kéo dài suốt 10 năm qua.
Chuyên gia phân tích Yi Zhu của Bloomberg Intelligence tại Hồng Kông nhận định, vụ bê bối của Kobe Steel gửi đi một thông điệp đến thị trường rằng sản phẩm của các công ty Nhật có thể không hoàn hảo và điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất từ các quốc gia khác như Trung Quốc
Trong thập kỷ qua, nhà sản xuất túi khí Nhật Bản Takata đã phải đối diện với một tấn kịch buồn khi các sản phẩm túi khí do hãng sản xuất ra đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người và làm hơn 100 người khác bị thương.
20 năm trước, nhiều hãng xe đồng loạt quyết định sử dụng công nghệ giá rẻ của Takata. Họ bỏ ngoài tai những cảnh báo về an toàn, để rồi đã có ít nhất 17 người ra đi mãi mãi. Takata đã rơi vào tình trạng phá sản sau những đợt triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Từ những vụ gian dối có tính hệ thống đã nêu, người tiêu dùng nên có cách tìn đa chiều hơn về niềm tin về chuẩn mực “made in Japan", bởi doanh nghiệp có mang đến sản phẩm uy tín và chất lượng hay không là cả quá trình thẩm định.