Cắt đôi que thử, trộn mẫu máu có thể bỏ lọt bệnh nhân
GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Trao đổi với PV, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết hành động cắt đôi thẻ test nhanh HIV và trộn mẫu máu xét nghiệm viêm gan B (HbV) là sai rõ ràng và cố tình làm sai. “Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng vì nhà sản xuất đã tính chiều rộng, độ sâu, chiều dài của thẻ test là bao nhiêu, phải trải qua hàng vạn lần thử nghiệm lâm sàng mới đưa ra được thông số đó để đưa vào sản xuất.
Cần phải đủ sinh phẩm như vậy để có đủ lượng kháng thể phát hiện kháng nguyên xuất hiện ở trong mẫu máu. Nếu lượng sinh phẩm ít hơn thì không đủ để phát hiện. Nên sai sót về mặt chuyên môn sẽ dẫn đến việc làm lọt các ca bệnh, tức là có hiện tượng âm tính giả. Nếu tiếp tục thực hiện như thế thì nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng kết quả vẫn âm tính”, GS.Nguyễn Anh Trí nói.
Bên cạnh đó, GS Trí cũng cho rằng, theo clip phản ánh của VTV 24, kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã trộn bốn mẫu máu vào chung một ống nghiệm để xét nghiệm cũng là sai, khiến lượng kháng nguyên gây bệnh được pha loãng. Khi làm xét nghiệm, rất nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng nồng độ thấp gây âm tính giả.
"Nếu với một bệnh nhân mà vừa bị cắt đôi thanh kit vừa bị trộn máu phối hợp với nhau sẽ rất nghiêm trọng, có thể làm lọt người bệnh, nhất là bệnh nhân HIV”, GS Trí cho biết.
GS Nguyễn Anh Trí cũng khẳng định, với xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) không được làm phương pháp trộn mẫu máu để làm xét nghiệm. Việc trộn mẫu máu chỉ được sử dụng bằng phương pháp kỹ thuật PCR khuếch đại gen đến hàng triệu lần. Việc xét nghiệm Elisa chỉ là test nhanh, khi có kết quả dương tính bệnh nhân sẽ được tư vấn đến những cơ sở y tế xét nghiệm HIV được Bộ Y tế cấp phép như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… Tại đây, bệnh nhân phải được xét nghiệm bằng ba kỹ thuật với hai nguyên lý khác nhau mới có thể khẳng định kết quả bệnh nhân mắc bệnh hay không.
Trộn các mẫu máu để tiết kiệm vật tư y tế, ngân sách?
Hình ảnh thẻ test bị cắt đôi trong clip phản ánh vụ việc của VTV 24.
Trước thông tin trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, thiếu thốn chúng ta từng phải trộn các mẫu máu trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động để tiết kiệm ngân sách, GS Trí khẳng định: "Ai đó nói rằng, việc trộn các mẫu máu để tiết kiệm vật tư y tế, ngân sách Nhà nước thì chỉ là “đánh tráo khái niệm”"
Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng cho biết, hiện tượng cắt thẻ test, trộn mẫu xét nghiệm rất dễ xảy ra, và có thể là hay xảy ra nếu công tác quản lý, kiểm tra không tốt. Nguyên nhân của tình trạng này chính sự buông lỏng quản lý, mua sắm trang thiết bị, tuân thủ hướng dẫn sử dụng, kiểm tra, đánh giá và trả kết quả cho bệnh nhân.
"Clip còn cho thấy hành vi sai trái là công việc làm hằng ngày, nhân viên nào cũng làm như thế, nghĩa là công tác huấn luyện, đào tạo là chưa ổn. Sự việc có thể không ai biết,hoặc biết sai mà lơ đi, không nhắc nhở để cảnh tỉnh, cảnh báo. Tôi xin nhấn mạnh quản lý chất lượng bệnh viện phải là một quá trình chứ không phải là kết quả; nếu chất lượng tốt nhưng không giám sát thì sai sót có thể xảy ra”, GS Trí cho hay.
Qua trường hợp xảy ra tại bệnh viện Xanh Pôn được báo chí phản ánh, GS Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh: “Đây chính là bài học cảnh tỉnh chung cho các cơ sở y tế công lập cũng như tư nhân, đừng vì hám lợi mà thực hiện sai quy trình, hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong hoạt động xét nghiệm, nhà quản lý, lãnh đạo thường xuyên chứ không được buông lỏng.
Đối với riêng Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cần phải nhìn nhận sai sót, rà soát những bệnh nhân bị ảnh hưởng, chân thành mời họ đến kiểm tra lại bằng những quy chuẩn thông thường. Đồng thời, khuyến cáo những bệnh nhân đã từng xét nghiệm HIV, HbV tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thời gian qua cũng nên đi xét nghiệm lại tại các cơ sở tin cậy”,