Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:18
RSS

Cấp thẻ căn cước công dân gắn chip: Những thông tin mới nhất đáng chú ý

Thứ năm, 25/02/2021, 11:06 (GMT+7)

Hôm nay (25/2), Bộ Công an sẽ khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an), sau khi bấm nút khai trương, mục tiêu đến 1/7/2021 sẽ cấp được 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử.

"Mục tiêu Bộ Công an đặt ra là 50 triệu thẻ vì một bộ phận người dân chưa đến tuổi cấp; một bộ phận đang dùng chứng minh thư, căn cước công dân cũ còn hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng. Sau khi bấm nút khai trương hai dự án, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử trên toàn quốc," Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết.

Công an Hà Nội làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: Việt Dũng

Hiện nay, cả nước đã cấp hơn 29.000 thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, trong đó đã cấp cho 1.369 đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng. Nhiều tỉnh, thành phố lớn đã có kinh nghiệm trong việc cấp căn cước công dân sẽ đẩy mạnh công tác này, sau đó sẽ tăng cường, hỗ trợ cho các tỉnh còn lại.

Như tại Hà Nội, mỗi quận trong mỗi ngày có thể thu nhập và cấp cho khoảng 900-1000 người. Dự kiến đến tháng 4/2021, Hà Nội có thể hoàn thành việc cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử.

Thượng tá Tô Anh Dũng cũng cho biết, việc cấp căn cước công dân sau khi bấm nút khai trương sẽ có những giải pháp tạo thuận lợi cho người dân.

Nếu như trước đây không cấp cho đối tượng tạm trú thì thời gian tới sẽ cấp. Người dân có quê ở các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc ở Hà Nội, nếu trước đây người dân tạm trú phải về địa phương, nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục cấp căn cước, hiện nay có thể làm thủ tục cấp ở Hà Nội.

Một thuận lợi nữa là người dân cũng không cần mang nhiều giấy tờ khi làm thủ tục cấp căn cước công dân. Người dân chỉ cần đọc tên tuổi, địa chỉ, quê quán... hoặc đọc số chứng minh thư nhân dân cũ là cán bộ tiếp nhận sẽ thao tác trên máy, tra ra thông tin cá nhân. Người dân làm thủ tục chỉ cần thực hiện những bước như: chụp ảnh, lăn tay, xác định những dấu hiệu nhận dạng... để tiến hành cấp căn cước công dân.

"Đây là những nội dung trước đây chưa xử lý được, sau khi đưa hệ thống dữ liệu dân cư vào hoạt động sẽ có những tiện ích mới này để tạo thuận lợi cho người dân," Thượng tá Tô Anh Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Công an đã có thông báo yêu cầu từ ngày 22/1/2021, yêu cầu công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dừng tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân mã vạch, CMND 9 số để chuyển sang cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.

Theo Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. Căn cước công dân mới được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.

Hai dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đưa vào hoạt động sẽ là giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng và đột phá không chỉ đối với công tác nghiệp vụ của ngành Công an, là tiền đề cơ bản cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số và nền kinh tế số ở Việt Nam mà còn góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Quỳnh Nguyễn
Theo Dân Việt