Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:22
RSS

Cạnh tranh chào lãi suất cho vay

Thứ ba, 26/03/2024, 06:39 (GMT+7)

Xu hướng giảm lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí việc giảm lãi suất ngày càng lan rộng ra nhiều ngân hàng.

Đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng. Ảnh: HH.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm đồng loạt từ 0,1 - 0,2%/năm lãi suất tất cả kỳ hạn gửi tiền.

Hiện BIDV điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm từ 1,9%/năm xuống 1,7%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; kỳ hạn 12 - 18 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 - 36 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,8%/năm.

Sau lần điều chỉnh này, lãi suất huy động cao nhất tại BIDV đã xuống dưới mốc 5%/năm.

Còn tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng hiện còn 1,6%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng là 1,9%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng là 3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 4,7%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng là 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng là 3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 4,7%/năm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.

Theo Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục hạ nhằm tạo dư địa giảm thêm lãi suất cho vay giúp khôi phục, phát triển kinh tế.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp vì nhu cầu huy động vốn cũng như cầu về tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao.

Áp lực cạnh tranh khá lớn

Dù lãi suất huy động đã liên tiếp giảm và giảm mạnh trong cả năm qua, nhưng lượng tiền gửi ngân hàng vẫn rất lớn. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi đạt 14 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới.

Số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Ghi nhận từ các ngân hàng cũng cho biết, để đẩy mạnh cung tín dụng, các ngân hàng mời chào khách hàng vay hứa hẹn giảm lãi suất, ngân hàng cũng đa dạng hoá các sản phẩm cho vay.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng của ngân hàng”.

Hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, áp lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết, hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay khốc liệt giữa các ngân hàng thương mại, cho nên các ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn phải cạnh tranh về chính sách cho vay thì mới mong đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chính vì thế, các khách hàng đi vay đang rất thuận lợi.

Giới chuyên gia nhận định, hàng trăm nghìn tỷ đồng đang nằm trong ngân hàng, nếu không khơi thông được dòng vốn, các ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu kinh doanh trong năm nay, bởi tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng vẫn chủ yếu nhờ vào tín dụng (chiếm gần 80% cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng thương mại).

Trong khi đó phía NHNN cũng cho biết sẽ kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp cần thiết để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp trong thời gian tới. NHNN đề nghị, các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng thành mối quan hệ cộng sinh… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

H.Hương
Theo báo Đại Đoàn Kết